1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp, lợi bất cập hại

(Dân trí) – Đánh bắt kiểu tận diệt bằng hệ thống dàn đèn cao áp bắt trước theo Trung Quốc mà ngư dân ở tỉnh Bình Định đang áp dụng, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà có nguy cơ cạn kiệt nguồn cá ngừ đại dương tại vùng biển Việt Nam.

Bình Định là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng cá ngừ đại dương lớn của cả nước trong những năm gần đây. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 7.500 tàu thuyền, trong số khoảng 2.300 tàu thuyền đánh bắt xa bờ thì có khoảng trên 1.500 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương. Tính từ đầu năm đến nay, sản lượng cá ngừ đại dương đạt hơn 9 nghìn tấn, tăng 97%.

Nghề câu cá ngừ đại dương đang đem lại lợi nhuận kinh tế cao, nhiều chuyến đi biển ngư dân kiếm được cả trăm triệu đồng. Đặc biệt, từ khi ngư dân tỉnh này áp dụng cách khai thác cá ngừ đại dương bằng hệ thống đèn cao áp, hiệu quả đánh bắt cao hơn rất nhiều so với cách câu vàng truyền thống.

Câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp, lợi bất cập hại
Tàu thuyền ngư dân tỉnh Bình Định được trang bị hệ thống bóng đèn cao áp để đánh bắt cá ngừ đại dương

Theo các ngư dân, chỉ cần đầu tư khoảng 100 – 150 triệu đồng là có thể trang bị đầy đủ một bộ giàn bóng đèn cao áp khoảng 20 bóng đèn, công suất mỗi bóng từ 1.000 W trở lên, để dẫn dụ cá. Với kiểu câu đèn này, ngư dân rút ngắn thời gian đi biển chỉ còn 20 – 25 ngày thay vì mất 30 ngày như trước; hơn nữa lại tiết kiệm chi phí trong khi sản lượng cá tăng cao.

Sản lượng tăng cao nhưng giá cả giảm mạnh do được câu bằng đèn cao áp
Sản lượng tăng cao nhưng giá cả giảm mạnh do được câu bằng đèn cao áp

Nhưng chính việc áp dụng cách câu đèn đã đẩy ngư dân vào chỗ thiệt thòi vì thương lái thu mua đều chê cá ôi, màu sắc nhợt nhạt, chất lượng kém nên giá bán cá giảm xuống hơn nửa. Nếu như trước kia, có thời điểm cá câu vàng bán với giá 170.000/kg thì nay cá câu đèn giảm giá chỉ còn 83-85.000 đồng/kg.

Ngư dân Võ Văn Việt, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, cùng lúc cùng làm chủ 2 con tàu, cho biết: “Với cách câu đèn sản lượng có thể tăng gấp đôi, có khi gấp 3, nhưng thương lái khi thu mua lại chê cá ôi, cá có vị chua nên giá bán giảm còn một nửa. Tính ra giá trị không tăng là bao…”.

Một chủ thu mua cá đang kiểm tra chất lượng hàng
Một chủ thu mua cá đang kiểm tra chất lượng hàng

Việc ngư dân đồng loạt bỏ kiểu câu vàng truyền thống lâu nay để chuyển sang câu bằng đèn cao áp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu cá ngừ đại dương của tỉnh Bình Định mà có nguy cơ gây cạn kiệt nguồn lợi cá ngừ đại dương tại vùng biển Việt Nam.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Mai Kim Thi – Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo về nguồn lợi thủy sản Bình Định - cho biết: “Hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào nghiên cứu khẳng định cá câu đèn bị ảnh hưởng chất lượng. Vì vậy không thể cấm ngư dân bỏ kiểu câu đèn cao áp mà chỉ khuyến khích ngư dân chuyển sử dụng bóng đèn sợi tóc, chuyển sang bóng mờ. Bên cạnh đó, lưu ý ngư dân chú trọng khâu xử lý bảo quản cá,  giảm va đập mạnh lên thân cá”.

Doãn Công