Cậu bé được “đặc cách” vượt cấp 3 lớp chỉ sau 2 ngày đi học
Năm 2005, ông bắt đầu cho Thân đi học khi vừa tròn 5 tuổi. Ngay sáng đầu tiên, Thân đã khiến thầy cô kinh ngạc về khả năng của mình. Chiều đó cậu được lên lớp 2 và rồi ngay sáng hôm sau lại lên học với các anh chị lớp 3.
Đó là trường hợp “đặc cách” duy nhất trong nền giáo dục nước ta khi ấy, do đích thân nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Đặng Huỳnh Mai xem xét. Cậu bé “thần đồng” đó tên là Hoàng Thân, người dân tộc Tày, ở Định Hóa, Thái Nguyên.
2 ngày 3 lớp
Năm Thân mới 3 tuổi, phát hiện cậu bé có thể đọc vanh vách những dòng chữ nhỏ in trên bao thuốc lá và tấm card visit, ông Cung Văn Hóa, người đồng đội già của ông ngoại Thân đã quyết định đón Thân xuống Hà Nội để cho ăn học. Bởi vùng quê nghèo của Thân sẽ không thể là môi trường tốt cho Thân phát triển.
Theo ông Hóa xuống Hà Nội, Thân bắt đầu cuộc hành trình mới, cuộc hành trình hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn.
Thân thực sự là một cậu bé thông minh khi chỉ bằng những vỏ nắp thuốc mà ông Hóa uống hằng ngày, cậu đã tự chế cho mình một bộ đồ học tập thông minh. Bộ đồ đó đem lại cho cậu bé giải đặc biệt trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc (2005). Giải thưởng còn đem đến cho Thân một cơ hội đặc biệt hơn nhiều. Cơ hội tạo nên kì tích của Thân.
Dù học chung với những anh chị hơn mình đến hai tuổi nhưng Thân vẫn rất tự tin. Cậu bé hăng hái trả lời những câu hỏi của thầy cô. Thích hỏi những câu hỏi tại sao, sao lại thế...
Tài không đợi tuổi
Từ năm 2005, sau khi đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo với mô hình học toán thông minh, cậu bé đã tiếp tục có nhiều mô hình đem đi dự thi hơn nữa. Năm nào thi Thân cũng đoạt giải. Và mỗi ý tưởng mà cậu bé gửi gắm trong mô hình đều rất đẹp và đáng quý. Đó là lời cảnh báo về nạn phá rừng trong mô hình "Rừng vàng", là câu chuyện học văn, học toán kết hợp đọc truyện Kiều, là mô hình lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ...
Thân nói, em sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi năm nay với mô hình địa lý, giải thích hiện tượng Nhật thực, Nguyệt thực.
Ngoài những giờ học trên lớp, Thân thường mày mò ngồi học trên máy tính. Bộ đĩa tiếng Anh được tặng Thân đã xem gần hết. "Sắp hết năm học rồi nên ông mua cho cháu đĩa học toán 7 nhé", Thân quay sang ông Hóa bày tỏ nguyện vọng.
Ông Hóa chỉ biết cười trước mong muốn có phần “ngô nghê” của cậu bé. Để tham dự cuộc thi đó Thân còn phải chờ thêm một thời gian nữa nhưng ai nói rằng Thân không được sáng tạo, không được đam mê?
Bức hình được Thân treo trang trọng trong căn phòng trọ nhỏ bé. Khi được hỏi về mong muốn của mình lúc này, Thân chỉ cười nói: "Em mong Đại tướng thật khỏe mạnh. Mô hình của em sẽ đoạt giải để em có cơ hội gặp lại Đại tướng và xin Đại tướng một tấm hình khác".
Để ngọc mãi sáng
"Thần đồng" là tên gọi mà báo chí đã từng nói về Thân. Thế nhưng Thân dường như không quan tâm lắm đến những điều ấy. Học lớp 6 nhưng tuổi thì mới chỉ lên 10 nên Thân vẫn còn rất trẻ con.
Năm nào Thân cũng nhận được giấy khen từ trường, từ cơ quan của mẹ, từ phường... Giấy khen và bằng khen treo kín trên bức tường của phòng trọ. Mặc dù được công nhận và khen thưởng nhiều như vậy nhưng Thân vẫn là một cậu bé gặp nhiều khó khăn. Tất cả mọi chi phí, sinh hoạt của Thân chỉ trông vào tiền lương công nhân của mẹ, vào đồng lương hưu của ông Hóa.
Ba mất sớm, Thân sống chung với ông Hóa khi lên ba. Mẹ cậu bé cũng mới tìm được việc ở công ty dược phẩm để xuống ở chung với ông cháu Thân. Ba người cùng sống chung trong một căn phòng thuê nhỏ bé. Thân cũng không có bàn học riêng. Bàn ăn vừa là nơi Thân học, vừa là chỗ để Thân chơi. Tối tối ông Hóa cũng không dám mở ti vi lâu vì sợ ảnh hưởng đến chuyện học của cháu.
Ông Hóa có tâm sự: "Thân là cậu bé tài năng nhưng cần phải được dạy dỗ tốt. Cũng như viên ngọc ý, có mài thì mới sáng hơn lên được".