1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kiên Giang:

Câu bạch tuộc trên đảo ngọc Phú Quốc

(Dân trí) - "Mất từ 4 - 5 giờ mới thả hết 12 thiên câu (12.000 vỏ ốc). Trung bình mỗi chuyến câu, tôi bẫy được từ 60 - 70kg bạch tuộc. Trừ chi phí tôi kiếm được khoảng 1 triệu đồng" - anh Võ Văn Lập ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc cho biết.

Sau mấy lần đi câu bạch tuộc “hụt” với anh Lập, lần này chúng tôi được anh “đèo” ra biển, tận mắt chứng kiến nghề câu bạch tuộc ở đảo ngọc Phú Quốc, thấy khá lý thú nhưng cũng thật vất vả cho những người mới đi biển lần đầu như chúng tôi.

Vừa cho tàu chạy ra biển, anh Lập cho biết qui trình câu bạch tuộc: “Khoảng 16 - 17 giờ chiều là anh em chúng tôi bắt đầu đi thả câu và mất khoảng 4 -5 giờ mới thả hết 12 thiên câu. Sau khi thả xong, anh em chúng tôi ra về và khoảng 5 giờ sáng thì anh em chúng tôi đi cuốn câu, sau đó mang bạch tuộc đến chợ cân lại với giá 55.000 đồng/kg”.

Anh Lập cho biết, với những người mới đi biển, họ cần máy định vị. Còn những ngư dân đánh bắt gần bờ và lâu năm như anh thì chỉ cần nhìn dòng chảy, màu nước… là “định vị” được hướng đi. Việc xác định luồng câu rất đơn giản, vì cuối và đầu mỗi luồng câu, ngư dân đều có treo một cái phao. Để tránh bị nhầm, mỗi chủ luồng câu chọn một màu phao khác nhau để phân biệt và cũng cảnh báo các ghe tàu đi qua.


Theo quan sát của PV Dân trí, “lưỡi câu” để bẫy bạch tuộc là những vỏ ốc biển to bằng trái cam được mắc vào sợi dây luộc thông qua một sợi dây nhỏ khác có độ dài khoảng 1m. Các “lưỡi câu” có khoảng cách từ 3 -4m/ lưỡi câu. Dụng cụ bẫy bạch tuộc chỉ có thế và theo kinh nghiệm của người câu bạch tuộc khi nhìn vào màu nước, độ sâu cạn, luồng chảy… để thả câu bẫy bạch tuộc.

Anh Lập cho biết: “Tuy dụng cụ bắt bạch tuộc chỉ đơn giản thế nhưng nặng vốn lắm, vì mỗi vỏ ốc có giá từ 15.000 – 17.000 (tùy theo vỏ ốc mới hay cũ, to hay nhỏ). Do vậy đầu tư 1 thiên câu phải tiêu tốn khoảng 15 – 18 triệu đồng. Nhưng nặng vốn nhất vẫn là tiền đóng tàu, vì một chiếc tàu nhỏ như thế này cũng phải mất 300 triệu đồng”.

Theo anh Lập, tại thị trấn Dương Đông có khoảng 400 hộ dân sinh sống bằng nghề câu bạch tuộc nhưng đa phần là những ngư dân có thu nhập thấp. Để có tiền đóng tàu, sắm ngư cụ, đa số bà con phải đi vay hỏi bạc nóng bên ngoài. Do đó ngư dân rất mong Nhà nước hỗ trợ xem xét cho vay tiền, đóng được tàu to, trang bị ngư cụ...

Ngoài ra, anh Lập cho biết thêm, thời gian gần đây tình trạng mất câu liên tục xảy ra và có trên dưới 100 hộ gặp vấn nạn này. Riêng anh Lập, từ đầu năm đến nay anh đã mất khoảng 4 thiên câu (tương đương 4.000 vỏ ốc), tính ra trên dưới 60 triệu đồng bị “biển” cuốn trôi.

“Nguyên nhân mất câu có nhiều lí do nhưng chủ yếu là do các ghe đi qua, cuốn mất câu, một số khác có kẻ gian trộm lấy… Nhiều lần bà con đã kiến nghị với cơ quan chức năng xử lí nhưng họ yêu cầu phải có bằng chứng. Tàu bè ngư dân câu bạch tuộc chỉ là loại công suất nhỏ, nếu phát hiện kẻ gian lấy câu, chúng tôi không sao đuổi kịp họ”, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc - vợ anh Lập - cho biết.

Ở điểm cuối của luồng câu, ngư dân treo phao và một lá cờ màu xanh
Ở điểm cuối của luồng câu, ngư dân treo phao và một lá cờ màu xanh

Dù có máy nổ hỗ trợ, anh Lập vẫn phải thuê hai nhân công để cuốn câu
Dù có máy nổ hỗ trợ, anh Lập vẫn phải thuê hai nhân công để cuốn câu
Anh Lập bán bạch tuộc được 1 triệu đồng thì chia cho 2 công nhân mỗi người 200.000 đồng
Anh Lập bán bạch tuộc được 1 triệu đồng thì chia cho 2 công nhân mỗi người 200.000 đồng

Bạch tuộc tươi sống như thế này hiện nay có giá từ 50.000 - 55.000 đồng/kg
Bạch tuộc tươi sống như thế này hiện nay có giá từ 50.000 - 55.000 đồng/kg
Bạch tuộc thường chui vào vỏ ốc do đặc tính sinh sản nên vỏ ốc được dùng để bẫy.
Bạch tuộc thường chui vào vỏ ốc do đặc tính sinh sản nên vỏ ốc được dùng để bẫy.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm