1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Cầu 36 tỷ đồng được xây xong, dân vẫn phải đi phà qua sông

Thúy Diễm

(Dân trí) - Cây cầu trị giá trên 36 tỷ đồng ở Đắk Lắk được xây dựng hoàn thiện 98% nhưng người dân chưa thể lưu thông, vẫn phải đi phà qua sông do chưa giải phóng mặt bằng đoạn đường dẫn lên cầu.

Cầu vượt sông Krông Bông 36,5 tỷ đồng thuộc dự án bố trí ổn định dân di cư tự do xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), dài khoảng 200m với 6 nhịp, rộng 8,5m. Cầu hoàn thiện sẽ nối xã Vụ Bổn (Krông Pắk) và xã Hòa Phong (Krông Bông).

Dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (BQLDA) làm chủ đầu tư; liên danh Công ty TNHH Thuận Hiếu và Công ty TNHH Sanh Chiến thi công.

Cầu 36 tỷ đồng được xây xong, dân vẫn phải đi phà qua sông - 1

Cầu vượt sông Krông Bông đã hoàn thiện 98% nhưng chưa thể đưa vào hoạt động do chưa giải phóng mặt bằng đoạn đường dẫn lên cầu (Ảnh: Uy Nguyễn).

Tháng 5/2023, cầu vượt sông Krông Bông được khởi công và hoàn thiện 97% 7 tháng sau đó, nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Nguyên nhân do thiếu phần đường dẫn lên cầu ở thôn 5 (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông), còn vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).

Khu vực chưa GPMB buộc phải di dời để làm đường dẫn lên cầu thuộc trụ sở của Đội Kiểm lâm số 2, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Việc cầu hoàn thiện đã nửa năm nhưng người dân chưa thể qua lại mà hàng ngày vẫn phải bỏ tiền đi phà qua sông hoặc đi đường vòng khiến không ít người dân phàn nàn.

Trao đổi phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho biết cầu vượt sông Krông Bông chưa được kết nối vào tỉnh lộ 12 do vướng mắc GPMB tại trụ sở làm việc của Trạm kiểm lâm số 2 thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Cầu 36 tỷ đồng được xây xong, dân vẫn phải đi phà qua sông - 2

Người dân vẫn phải đi phà qua sông mỗi ngày (Ảnh: Uy Nguyễn).

Do trụ sở làm việc của trạm kiểm lâm là tài sản công, phải thực hiện thanh lý các tài sản trên đất theo quy định nên chưa thể bàn giao mặt bằng.

Khi giải tỏa Trạm kiểm lâm số 2, huyện chưa biết bố trí quỹ đất ở vị trí nào để xây dựng trụ sở, do quy hoạch sử dụng đất của huyện đã được tỉnh phê duyệt đầu năm 2022 nên phải có thời gian điều chỉnh bổ sung quy hoạch đất làm vị trí trụ sở.

"Huyện đã có văn bản gửi chủ đầu tư dự án để đơn vị kiến nghị cơ quan chủ quản sớm thanh lý tài sản công, thu hồi đất bàn giao cho dự án", ông Pháp thông tin.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông nói giải pháp trước mắt là thanh lý tài sản trụ sở cơ quan Nhà nước, sau đó sẽ thuê tạm trụ sở làm việc cho trạm kiểm lâm trong khi chờ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vị trí đặt trụ sở mới.

Cầu 36 tỷ đồng được xây xong, dân vẫn phải đi phà qua sông - 3

Để đảm bảo an toàn, ngăn việc lưu thông qua cầu, các đơn vị đã làm rào chắn trên cầu (Ảnh: Uy Nguyễn).

"Tuy nhiên, việc nguồn nào chi để thuê làm trụ sở cũng cần phải bàn bạc. Huyện cũng không thể chi số tiền này do không đúng quy định. Huyện đang giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện tham mưu, báo cáo chi tiết các vấn đề liên quan", ông Pháp cho hay.

Một lãnh đạo BQLDA cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng huyện Krông Bông cùng các cơ quan có liên quan trong việc quy hoạch vị trí trụ sở mới để di dời trạm kiểm lâm và sẽ nhanh chóng thi công hoàn thiện công trình, đưa vào phục vụ người dân ngay khi việc di dời được triển khai.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã chỉ đạo Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tham mưu huyện Krông Bông bố trí địa điểm xây dựng trụ sở mới Trạm kiểm lâm số 2 phù hợp và đảm bảo nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng của đơn vị.

Đơn vị cũng cần phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Krông Bông để xác định tiền bồi thường tài sản công, xác định kinh phí hỗ trợ thuê trụ sở trong thời gian chờ xây dựng trụ sở mới (nếu có).

Đồng thời, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin được giao lập tờ trình xin thanh lý trụ sở làm việc Trạm kiểm lâm số 2, gửi Sở để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt theo quy định về quản lý tài sản công.