1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Cắt” chi tiêu 6.000 tỷ đồng để ngăn suy giảm kinh tế

(Dân trí) - Đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế xã hội 2009, xin hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống “vế dưới”, dự kiến cắt giảm khoảng 6.000 tỷ đồng chi đầu tư… là các phương án Bộ KH-ĐT đề xuất để ngăn ngừa nguy cơ giảm phát.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trao đổi thẳng thắn về những mầm mống suy giảm kinh tế bên lề phiên họp Quốc hội.

Việc Chính phủ xin điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế xã hội 2009 vừa qua theo hướng hạ tốc độ tăng trưởng có phải một động thái đối phó với nguy cơ giảm phát, thưa Bộ trưởng?

Hiện có một số ý kiến đánh giá về khả năng giảm phát. Tháng 10 cũng có dấu hiệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm đồng thời một số khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động do thị trường bị thu hẹp.

Quan điểm của Chính phủ thì cho rằng chưa có khả năng giảm phát bởi vì nếu giảm phát thì phải biểu hiện trên nhiều yếu tố, ngoài chỉ số giá, còn có tốc độ tăng trưởng kinh tế, sức mua của dân.

Nhưng với các biểu hiện tăng chậm lại của nền kinh tế và sự suy giảm là có mầm mống nên Chính phủ đưa ra kiến nghị các biện pháp để xử lý cho năm 2009. Từ đó, về mục tiêu tổng quát, Chính phủ đã trình QH xin điều chỉnh lại.

Cụ thể các mục tiêu Chính phủ đề nghị cân nhắc, điều chỉnh là gì thưa bộ trưởng?

Trước đây, mục tiêu tổng quát của chúng ta là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội. Nay Chính phủ đề nghị điều chỉnh 3 vấn đề.

Thứ nhất, lúc này lạm phát đã bắt đầu kiểm soát được nên không để là mục tiêu ưu tiên nữa. Chúng ta chỉ tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững và thêm vào mục tiêu ngăn ngừa suy giảm.

Thứ hai, trong điều kiện cả cộng đồng, nhân dân và mọi người cùng phải chia sẻ cho nên chúng ta chỉ có thể giữ được mức như hiện nay là đảm bảo an sinh xã hội, không đặt ra mục tiêu “tốt hơn”.

Thứ ba, Chính phủ xem xét lại khả năng tăng trưởng kinh tế của năm 2009. Khi trình QH lúc trước, Chính phủ đưa ra 3 phương án về tốc độ phát triển kinh tế: khoảng 7%, tốt hơn thì đạt khoảng 7,5% và nếu tình hình xấu đi thì khoảng 6,5%.

Nhận thấy tình hình thế giới ngày càng xấu đi và khả năng tăng trưởng của thế giới sẽ thấp hơn nhiều năm 2008 nên Chính phủ đã đề nghị phương án 6,5%.

Như vậy chúng ta đã có sự thay đổi trong cách đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với kinh tế Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta đã có thay đổi trong cách nhận định. Trước đây, đánh giá yếu tố lạm phát là hàng đầu, sẽ tác động lớn đến nền kinh tế nước ta trong năm 2008 và đến 2009 thì nay chúng ta đánh giá khả năng tác động do giảm phát của nền kinh tế thế giới.

Do đó phải chú ý đặc biệt đến vấn đề phòng ngừa khả năng giảm phát nền kinh tế. Chỉ là phòng ngừa thôi, để việc đó không xảy ra bởi nếu kinh tế suy thoái, sụt giảm, vấn đề công ăn việc làm, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực hiện đang còn rất nhiều người lao động sẽ rất khó khăn.

Nhưng mới đây, Bộ trưởng nói cuộc khủng hoảng tài chính thế giới không tác động nhiều đến Việt Nam. Vậy sao giờ lại phải đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng?

Cuộc khủng hoảng tài chính trước đây thì ít ảnh hưởng đến giờ đã lan sang thành khủng hoảng kinh tế, đã làm suy giảm kinh tế nền thế giới. Khi kinh tế đã suy giảm thì những thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta như Mỹ, liên minh Châu Âu, Nhật Bản và một số nước trong khu vực… sẽ giảm. Thu hút đầu tư cũng bị giảm, cả đầu tư gián tiếp và trực tiếp.

Cho nên, chúng ta phải có những sự điều chỉnh để phù hợp, thích ứng với tình hình. Tôi cho rằng tình hình còn diễn biến phức tạp, phải thường xuyên theo dõi để có những đối sách phù hợp.

Bộ trưởng có thể khái quát các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ suy giảm kinh tế khi điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng?

Trước hết là phải khuyến khích sản xuất trong nước, tìm mọi biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngay từ hôm qua, ngân hàng đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đã bắt đầu hạ lãi suất cơ bản.

Từ việc hạ lãi suất cơ bản, lãi suất cho vay, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại cũng sẽ giảm. Trong trường hợp các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng khó khăn thì phải xem xét đến khả năng giảm thuế hoặc miễn thuế ở một số đối tượng.

Chúng ta cũng sẽ thực hiện chính sách tài khoá tốt hơn, đặc biệt là về vấn đề chi tiêu ngân sách nhà nước. Chính phủ sẽ giảm toàn bộ phần đầu tư hỗ trợ không hợp lý cho một số DNNN có nhiệm vụ kinh doanh.

Còn đối với những DNNN hiện đang làm một số công trình xây dựng hạ tầng, phục vụ an sinh xã hội, phục vụ đời sống người dân như Tổng Công ty đường sắt, Tổng Công ty hàng hải thì vẫn phải hỗ trợ để nâng cấp hệ thống đường sắt, xây dựng cảng biển…

Chi ngân sách sẽ giảm một phần và chi đầu tư cũng sẽ giảm, khoảng 6.000 tỷ đồng.

Xin cám ơn Bộ trưởng!

P.Thảo (ghi)