Cặp vợ chồng bỏ phố về quê, thuê đất trồng lúa, chăm rau trút bỏ stress
(Dân trí) - Cặp vợ chồng quyết định bỏ phố về quê sống tự cung tự cấp vì áp lực công việc ở thành phố.
Cuối năm 2019, cảm thấy không thể tiếp tục làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng đầy áp lực, Katsuhiko Kaneko (43 tuổi) cùng vợ là Yuka Abe (28 tuổi) quyết định rời Tokyo để trở về quê nhà ở tỉnh Saitama, theo đuổi lối sống tự cung tự cấp, gần gũi với thiên nhiên. Vợ chồng Kaneko chọn định cư tại Tokigawa, một thị trấn có 10.000 dân ở vùng đồi núi của Saitama.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Kaneko chọn theo đuổi nghề đầu bếp. Anh từng làm qua nhiều vị trí khác nhau tại nhà hàng sushi ở Tokyo, khách sạn ở Úc và quán cà phê ở Hồng Kông. Có thời điểm, Kaneko làm việc tới 17 tiếng/ngày, sức khỏe ngày một suy kiệt. Thậm chí, bác sĩ từng cảnh báo rằng công việc quá tải có thể giết chết anh.
Mong muốn được sống giữa thiên nhiên của Kaneko ngày một lớn dần đã thôi thúc anh từ bỏ cuộc sống không ngày nghỉ nơi phố thị để tìm về vùng quê yên bình. Yuka Abe cũng yêu thiên nhiên nên hoàn toàn ủng hộ quyết định của chồng.
Khi mới chuyển đến Saitama, Kaneko làm quản lý cho một nhà nghỉ bình dân. Sau này, khi đã tích lũy được kinh nghiệm, anh xin nghỉ việc, chi tiền mua một căn nhà cũ rồi cải tạo thành minshuku (nhà trọ nhỏ) có tên Rakuya. Các nhà trọ kiểu minshuku thường cung cấp 2 bữa ăn với một đêm nghỉ ngơi và bồn tắm truyền thống.
Bắt đầu cuộc sống mới, cặp vợ chồng tự trồng thực phẩm và tạo ra nhiều nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Trong khu vườn nhỏ, Kaneko và Abe nuôi 5 con gà mái lấy trứng, trồng đậu nành, cà chua, cà tím, củ cải daikon, gừng và cà rốt, cũng như gạo và lúa mì, để phục vụ nhu cầu ăn uống của gia đình. Ngoài ra, cặp đôi còn tận dụng các loại thảo mộc mọc hoang dã ngoài tự nhiên như cỏ đuôi ngựa, ngải cứu và diếp cá.
Trước đó, Kaneko thuê đất trồng lúa và rau, củ để có nguồn lương thực phục vụ bếp ăn của nhà trọ. Cánh đồng cách nhà trọ Rakuya của hai vợ chồng 5 phút lái xe. Tổng cộng, họ trồng rau, lúa, lúa mì và các loại cây khác trên diện tích khoảng 15.000m2 - tương đương với kinh doanh nông nghiệp quy mô nhỏ.
Sự tự do mà anh đề cập tới, về bản chất là giá trị tinh thần hơn là vật chất. Vợ chồng Kaneko cũng không quá cứng nhắc hay đặt ra bất kỳ quy định nghiêm ngặt nào về khả năng tự cung tự cấp của mình. Thực tế, Kaneko vẫn mua các loại gia vị và thực phẩm mà họ khó có thể tự làm ở nhà bằng cách bán rau, củ mình trồng được, cũng như duy trì điện, nước sinh hoạt.
Sau khi học hỏi được nhiều kỹ năng sống tự cung tự cấp, Kaneko và Abe thường xuyên tổ chức các sự kiện thu hoạch và nấu ăn, các buổi hội thảo về cách chế tạo các công cụ thủ công và cùng nhau đi du lịch khắp Nhật Bản trên một chiếc xe bán tải nhỏ. Thông qua hành động của mình, cặp vợ chồng "bỏ phố về quê" muốn truyền cảm hứng để những người khác có thể mạnh dạn theo đuổi cuộc sống mà họ mong muốn.
Những người tham dự các cuộc hội thảo của vợ chồng Abe đều có những mục tiêu khác nhau. Một số chỉ muốn tập trồng lúa trên diện tích nhỏ, người khác lại mong muốn được sống ở cả thành thị và nông thôn. Nhưng hầu hết họ đều có chung cảm giác rằng cuộc sống hiện tại đang thiếu một điều gì đó quan trọng.
Trong một cuộc hội thảo tại quận Omotesando ở Tokyo, Abe chia sẻ hai vợ chồng cô đã thoát ra khỏi vòng xoáy tiêu cực của lao động quá sức chỉ để duy trì lối sống đắt đỏ. Cô cũng cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người muốn tự tay làm mọi thứ càng nhiều càng tốt. Đặc biệt, họ nhìn ra sự lệ thuộc của mình khi đứng trước những kệ thực phẩm trống trơn trong các siêu thị vào mùa dịch.