Cặp vợ chồng 9 năm "dốc" tiền túi xây nhà cho người vô gia cư

Thu Trang

(Dân trí) - Với mong ước không có ai phải ngủ ngoài đường, bà Linda cùng chồng đã dành thời gian, công sức và tiền bạc suốt nhiều năm để xây dựng những ngôi làng nhỏ, nơi người vô gia cư có thể vào ở.

Vốn là những nhà môi giới bất động sản, bà Linda Brown và chồng David chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Tại bang Missouri, Mỹ - nơi hai người sinh sống còn rất nhiều những số phận ở trong cảnh màn trời chiếu đất.

Vào một đêm đông lạnh giá, sau khi gặp gỡ một nhóm người vô gia cư trong thị trấn, bà Linda Brown suy nghĩ, thao thức cả đêm. Khi nhìn thấy họ phải nằm trên nền đất rét buốt và ẩm ướt, trong khi bản thân ngả lưng trên chiếc giường ấm áp, bà nghĩ mình cần phải làm điều gì đó để thay đổi cuộc đời của những người vô gia cư.

Cặp vợ chồng 9 năm dốc tiền túi xây nhà cho người vô gia cư - 1
Bà Linda Brown cùng chồng quyết tâm xây dựng những ngôi nhà dành cho người vô gia cư để họ không còn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Ngay sau đó, bà đã lên kế hoạch xây dựng một ngôi làng nhỏ dành cho những người vô gia cư, đặc biệt là người khuyết tật. Với 13 năm kinh nghiệm cùng các mối quan hệ trong lĩnh vực bất động sản giúp hai vợ chồng bà nhanh chóng tìm được một công viên bỏ hoang rộng 1,5ha ở phía đông thành phố Springfield. Họ thỏa thuận để mua lại với giá 30.000 USD(gần 700 triệu đồng). Sau khi kêu gọi nhiều nhà tài trợ bao gồm các tổ chức từ thiện, ngân hàng địa phương, nhà thờ, cư dân trong vùng cùng với số tiền tiết kiệm của mình, vợ chồng bà Linda đã xây dựng được 31 căn nhà, mỗi căn trị giá 42.000USD (hơn 950 triệu đồng) trên mảnh đất này và đặt tên là làng Eden.

Cặp vợ chồng 9 năm dốc tiền túi xây nhà cho người vô gia cư - 2
Mỗi căn nhà đều có đầy đủ tiện nghi gồm cả khu vực bếp và giường ngủ.

Mỗi ngôi nhà được trang bị đầy đủ nội thất, bao gồm cả bát đĩa và giường ngủ. Những người vô gia cư có thể đến đây ăn uống, tắm rửa, sử dụng máy tính, giao lưu với những cư dân khác, thậm chí có thể giải trí, hát karaoke. Họ được lưu trú tại đây vĩnh viễn hoặc ở bất cứ khi nào thích.

Ngôi làng nhỏ này còn có một nhà văn hóa chung để tổ chức các buổi gặp gỡ hay sự kiện đặc biệt. Ngoài ra, làng Eden cũng có một trung tâm y tế với y, bác sĩ là các tình nguyện viên, sinh viên các trường Y, Dược. Đặc biệt, làng còn có phòng thăm khám và tư vấn tâm lý. Đây là nơi chia sẻ những khó khăn về mặt tinh thần cho các bệnh nhân là người vô gia cư, người khuyết tật, khó hòa nhập với cuộc sống.

Cặp vợ chồng 9 năm dốc tiền túi xây nhà cho người vô gia cư - 3
Bà Linda trò chuyện cùng các cư dân mới trong làng Eden.

Jonathan Fisher - một người từng sống lang thang trên đường phố hai năm trước đã không kìm được xúc động trong những ngày đầu đặt chân đến nơi ở mới: "Trong khoảnh khắc tồi tệ nhất của cuộc đời tôi đã gặp Linda. Bà ấy đã hướng dẫn, chăm sóc và khiến cho tôi cảm thấy bản thân mình vẫn còn giá trị", Fisher nói. Người đàn ông này bày tỏ, sự tận tâm của Linda đã giúp anh thoát khỏi cuộc sống đầy bất hạnh và cô đơn trước kia.

Trong tương lai gần, bà Linda muốn tiếp tục phát triển mô hình này gồm 5 ngôi làng nhỏ, sức chứa 200 người vô gia cư trên khắp Springfield với mục tiêu thành phố không có ai phải ngủ ngoài đường. Hiện tại, bà đang tìm kiếm những khu đất bỏ hoang hoặc có thể cho thuê lại để xây dựng làng Eden 2 với 24 cư dân và làng Eden 3 với 80 cư dân.

Cặp vợ chồng 9 năm dốc tiền túi xây nhà cho người vô gia cư - 4
Bà Linda dự tính sẽ mở rộng quy mô làng Eden với mục tiêu thành phố không còn ai phải ngủ ngoài đường.

Để duy trì một cộng đồng văn minh, làng Eden cũng có nhiều nguyên tắc như không hút thuốc trong nhà, mỗi người tự dọn vệ sinh khu vực sinh hoạt của mình, không làm những hành vi trái pháp luật… Bà Linda muốn dự án tâm huyết của mình không chỉ là nơi tạm trú của nhiều người vô gia cư mà còn muốn họ thật sự xem nơi đây là nhà, những người hàng xóm là gia đình. "Những người vô gia cư thật sự thiệt thòi, một chút quan tâm của chúng ta cũng sẽ tạo nên sự khác biệt cho cuộc đời họ", bà Linda chia sẻ.