1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cấp riêng bằng lái xe ô tô số tự động: Lợi bất cập hại?

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng việc tách GPLX số tự động chỉ đáp ứng nhu cầu của không nhiều người sử dụng, trong khi đó sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và phương tiện đào tạo, sát hạch. Và nếu không kiểm soát chặt người sử dụng sẽ “đe dọa” an toàn giao thông.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu các quy định cả trong nước và quốc tế để đề xuất việc đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, phù hợp với thực tiễn, theo quan điểm: “Cần nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo theo hướng nếu anh đăng ký đào tạo, sát hạch xe số tự động, tôi cấp giấy phép lái xe (GPLX) số tự động. Anh muốn học và thi xe sàn, tôi cấp bằng tương ứng”.

Liên quan đến chủ trương này, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam - cho rằng, đề xuất đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô riêng, cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô tô sử dụng hộp số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người học và dự sát hạch lái xe như không cần điều khiển bàn đạp chân ga, chân ly hợp (chân côn), không phải mất nhiều thời gian để luyện kỹ năng lái xe, xe không bị chết máy, xe không bị tụt dốc và khả năng sát hạch đạt yêu cầu của người dự sát hạch sẽ tăng cao. Song, việc tổ chức đào đạo, sát hạch, cấpGPLX ô tô riêng cho người không hành nghề lái xe, điều khiển ô tô sử dụng hộp số tự động, chở người đến 9 chỗ ngồi sẽ phát sinh một số nội dung cần phải nghiên cứu, đánh giá lại.

Năm 2010, trong khuôn khổ Dự án An toàn giao thông đường bộ Việt Nam do Ngân hàng thế giới tài trợ, tổ chức tư vấn quốc tế đã khảo sát và đánh giá chương trình, nội dung, giáo trình đào tạo lái xe của Việt Nam là phù hợp và tương tự như các nước Thái Lan, Hàn Quốc, trong đó quy định người học phải tập lái trên ô tô số sàn và tập lái trên đường, với xe ô tô có hộp số tự động là 10 giờ.

Cấp riêng bằng lái xe ô tô số tự động: Lợi bất cập hại?

Việc tách GPLX số tự động và số sàn được cho là không phù hợp khi xem xét ở nhiều yếu tố (ảnh: Việt Hưng)

Cũng theo ông Quyền, Luật Giao thông đường bộ quy định GPLX xe hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg. Tức là, nếu cấp GPLX hạng B1 cho người điều khiển ô tô sử dụng hộp số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi thì sẽ không được phép lái các loại xe tải và máy kéo vì các loại xe này không sử dụng hộp số tự động.

Một điều đáng chú ý khác theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nếu tách GPLX số tự động và số sàn, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch cũng phải đầu tư ô tô tập lái, sát hạch lái xe trong hình và trên đường để phục vụ việc đào tạo, sát hạch lái xe với mức kinh phí dự kiến đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng (mỗi cơ sở đào tạo đầu tư tối thiểu 10 xe, trung tâm sát hạch đầu tư tối thiểu 4 xe để đáp ứng nhu cầu học và sát hạch).

Trong khi đó, thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe, năm 2013 các trung tâm sát hạch đã đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị sát hạch lý thuyết trong hình, trên đường… và trong năm 2015 theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các trung tâm sát hạch đang chuẩn bị nguồn kinh phí lớn để đầu tư ô tô sát hạch và lắp thiết bị chấm điểm tự động lái xe ô tô trên đường, thiết bị sát hạch lái xe trong hình hạng A1, A2. Nếu tiếp tục đầu tư ô tô sử dụng hộp số tự động trong khi lượng người dự sát hạch không cao (nhiều trung tâm sát hạch sử dụng chưa hết 50% công suất) sẽ gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch.

Chưa hết, việc cho phép sử dụng ô tô hộp số tự động để học và sát hạch lái xe sẽ đơn giản và dễ hơn ô tô sử dụng hộp số sàn, nếu không kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sử dụng, nhiều người sẽ lựa chọn loại xe này.

“Thực tế, xe ô tô đến 9 chỗ ngồi sử dụng hộp số sàn và hộp số tự động có hình dáng bên ngoài không khác nhau, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của một số người dân chưa cao, nên dễ dẫn đến tình trạng người được cấp GPLX số tự động mà điều khiển xe ô tô số sàn và đây sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông rất cao” - ông Quyền cho hay.

Được biết, hiện nay phần lớn các nước trên thế giới đều quy định chung 1 hạng GPLX đến 9 chỗ ngồi, nếu Việt Nam cho phép điều khiển cả xe ô tô có hộp số tự động và số sàn như vậy, người được cấp GPLX ô tô sử dụng hộp số tự động sẽ không được đổi sang GPLX quốc tế.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng GPLX ở trong nước và khi ra nước ngoài, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện quy định trên vào thời điểm thích hợp và khi tổ chức thực hiện, đề nghị không quy định hạng GPLX riêng, nhưng trên GPLX có ghi điều kiện hạn chế như GPLX của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm