“Cấp hàm chỉ để giải quyết khâu oai, hưởng phụ cấp”
(Dân trí) - “Bổ nhiệm cấp hàm bây giờ là để giải quyết khâu oai, tức là chức danh để đi làm việc. Ngoài ra, việc bổ nhiệm này còn để hưởng phụ cấp, hưởng chế độ chính sách”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, dù không có quy định nào nhưng nhiều Bộ ngành tự vận dụng cho cán bộ hưởng chế độ theo cấp “hàm” Vụ trưởng, Vụ phó. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Thực ra, cấp “hàm” chỉ áp dụng trong trường hợp trước đây đã từng giữ chức vụ đó nhưng khi chuyển sang một cơ quan mới mà không có vị trí như vậy thì giữ cho anh “hàm” như vậy. Ví như người này từng là Vụ trưởng nhưng chuyển sang cơ quan khác đã có Vụ trưởng rồi thì tôi giữ cho anh cấp hàm như vậy để khẳng định hàm như thế.
Còn về vấn đề bổ nhiệm, ví dụ một Vụ phó mà cơ quan đã có Vụ trưởng ở đó rồi, mà lại bổ nhiệm lên hàm Vụ trưởng, mà hàm Vụ trưởng lại không phải là chức danh quản lý. Anh lại chỉ làm như một chuyên viên thì tôi nghĩ cái đó rất không hay, vì thực tế nhiều cơ quan đang phát triển cái này, thì tôi nghĩ không nên chút nào cả.
Từng làm Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, xin ông cho biết cấp hàm hiện nay được vận dụng nhiều nhất ở những cơ quan nào?
Cấp hàm chủ yếu là các cơ quan Trung ương phát triển tương đối nhiều. Thậm chí từ chuyên viên, chuyên viên chính bổ nhiệm lên hàm Vụ phó nhiều quá.
Qua báo cáo sơ bộ của 18 Bộ ngành, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện có 329 công chức, viên chức đang được vận dụng hưởng chế độ “hàm” chức danh quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên. Theo ông liệu việc bổ nhiệm cấp hàm nhiều như vậy có phải do nể nang nhau hay một lý do nào khác?
Hiện pháp luật không có quy định nào nên rất dễ dẫn đến việc hiểu rằng pháp luật không cấm thì tôi được làm. Thế nhưng ở khía cạnh khác đây là việc lợi dụng kẽ hở pháp luật (vì không bị cấm) để làm việc đó. Còn việc bổ nhiệm cấp hàm để giải vì nể nang nhau hay vì vấn đề gì khác thì mình không khẳng định được vì nếu không có chứng cứ cụ thể mà quy kết người khác thì không hay.
Thế nhưng theo tôi bổ nhiệm cấp hàm bây giờ là để giải quyết khâu oai, tức là chức danh để đi làm việc. Ngoài ra, việc bổ nhiệm này còn để hưởng phụ cấp, hưởng chế độ. Chứ còn khi đã là cấp hàm, tức là anh không làm quản lý, nhưng không làm quản lý mà vẫn hưởng phụ cấp quản lý, phụ cấp trách nhiệm là sai rồi.
Ông có đồng tình với lý do việc bổ nhiệm hàm để cho đi làm việc ở địa phương thuận tiện hơn không?
Tôi không đồng tình với lý giải đó. Khi người ta làm việc thì người ta vì công việc, thực thi nhiệm vụ được giao chứ không phải ông cứ là vụ trưởng mới xuống làm việc được với lãnh đạo địa phương.
Theo ông có nên vận dụng những gì pháp luật không cấm để các Bộ ngành bổ nhiệm nhiều cấp hàm hay không?
Theo tôi là không nên bổ nhiệm cấp hàm vì nó không giải quyết vấn đề gì mà lại đẻ ra quá nhiều lãnh đạo. Mà lãnh đạo làm việc như chuyên viên thì để nhân viên làm việc còn hơn. Người ta cứ nói bổ nhiệm cấp hàm để có tư cách đi làm việc, nhưng mục đích cuối cùng là giải quyết công việc chứ đâu phải vì hàm hay không hàm thì mới làm được việc.
Cần phải có quy định làm sao cho nó chặt chẽ, như Bộ trưởng đã trả lời là không có quy định nào về hàm cả, nhưng các cơ quan nhà nước thì cứ thực hiện việc bổ nhiệm. Từ cấp hàm bấy lâu nay chưa có gì rõ ràng, nó xuất phát từ trong lực lượng quân đội. Đến giờ dân sự cũng đưa những cái hàm vào ý là để khẳng định tôi có một vị trí, phẩm chất của người lãnh đạo tương đương một cấp nào đó. Nhưng nói chung chẳng có quy định nào rõ ràng cho việc này.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)