1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cấp giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp "than" khó, công an nói gì?

Phúc Lâm

(Dân trí) - Doanh nghiệp lo lắng hoạt động của đơn vị sẽ bị đình trệ do chưa được hướng dẫn cấp Giấy đi đường mới. Trong khi đó công an một số phường nội thành Hà Nội cho biết đang xảy ra tình trạng quá tải.

Liên quan đến việc cấp Giấy đi đường theo thông báo mới của Công an thành phố Hà Nội, chiều 6/9, ông Nguyễn Hữu N. - Giám đốc một công ty về lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại (trụ sở tại xã Dương Xá, Gia Lâm) - cho biết, đến chiều 6/9, công ty của ông vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào về việc cấp Giấy đi đường mới.

Cấp giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp than khó, công an nói gì? - 1

Ngày 6/9, lực lượng chức năng chỉ kiểm tra, nhắc nhở người dân chưa có giấy đi đường mới.

"Cán bộ công ty tôi lên UBND xã hỏi thì họ nói chưa triển khai vì chưa có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị ở vùng 2, vùng 3.

Lần giãn cách xã hội trước, sau khi thông qua UBND xã, công ty chúng tôi được phép tự cấp giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, đối với các nhân viên vận tải chở hàng từ Hà Nội về Hải Dương, chúng tôi cũng xét nghiệm PCR đầy đủ và đăng ký "luồng xanh" cho phương tiện" - ông N. chia sẻ.

Vị giám đốc này lo lắng công ty của ông sẽ bị đình trệ hoạt động vì Hà Nội chỉ cho thời hạn đến hết ngày 7/9 để các đơn vị, doanh nghiệp làm thủ tục cấp giấy đi đường mới.

"Để cấp xã đánh giá, phê duyệt phương án kinh doanh của một doanh nghiệp về môi trường, lại còn xử lý chất thải nguy hại, là một điều bất cập, rất dễ dẫn đến việc chậm chạp trong phê duyệt, cấp Giấy đi đường" - ông N. băn khoăn.

Trong khi đó, ông M. - Giám đốc một công ty trong lĩnh vực xăng dầu - cho biết, sau khi nộp hồ sơ lên Sở Công Thương từ chiều 5/9, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được giấy đi đường. Ông hy vọng chậm nhất ngày mai đơn vị sẽ nhận được Giấy cho cán bộ, nhân viên.

"Việc duy trì kinh doanh là một phần, chúng tôi lo ngại những bất tiện cho phía người dân, khách hàng khi việc cung ứng những mặt hàng thiết yếu bị gián đoạn" - vị giám đốc này chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc chuỗi siêu thị ở Hà Đông - cho biết, tối muộn hôm qua, đơn vị của bà đã nhận được khoảng 30% Giấy đi đường mẫu mới có QR Code cho nhân viên.

"Tình hình dịch bệnh phức tạp, việc di chuyển lưu thông vốn rất khó khăn, do vậy nhiều doanh nghiệp mong muốn có một mẫu giấy thông hành thống nhất, xuyên suốt, tránh thay đổi quá nhiều, khiến việc đáp ứng mất thời gian, rắc rối" - bà Dung nói.

Quá tải, lỗi đường truyền

Tính đến chiều 6/9, Công an phường Phú Đô (Nam Từ Liêm) đã cấp được Giấy đi đường cho hơn 400 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn có hồ sơ gửi đến. Theo Đại úy Vũ Trường Hiệp - Trưởng Công an phường Phú Đô, khi Công an Hà Nội có thông báo về việc cấp Giấy đi đường mới, các đơn vị, doanh nghiệp đã liên hệ với cảnh sát khu vực để được hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Cấp giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp than khó, công an nói gì? - 2

"Thực tế, nhiều đơn vị thiếu hồ sơ đều bị trả lại, yêu cầu bổ sung. Một số doanh nghiệp qua kiểm tra thực tế của cảnh sát khu vực thì không có hoạt động trên địa bàn nên chúng tôi kiên quyết từ chối cấp Giấy đi đường" - Đại úy Hiệp thông tin.

Trong khi đó, do lỗi đường truyền, Công an phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) mới chỉ có thể tiếp nhận hồ sơ, chưa duyệt, cấp Giấy đi đường cho các đơn vị có nhu cầu.

Cấp giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp than khó, công an nói gì? - 3

Công an phường Trung Hòa tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy đi đường qua hòm thư điện tử vào chiều 6/9 (Ảnh: Trần Thanh).

Lãnh đạo Công an phường Thành Công (quận Ba Đình) thông tin, đơn vị đang bị quá tải do lượng hồ sơ gửi đến quá nhiều. Đến đầu giờ chiều 6/9, Công an phường này đã tiếp nhận tới hơn 3.000 hồ sơ.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội cho hay, đến 15h chiều 6/9, đơn vị này đã duyệt, cấp khoảng 40.000 Giấy đi đường cho các tổ chức thuộc phân cấp của Phòng CSGT.

Luật sư đề nghị được đưa vào nhóm 1

Liên quan đến đối tượng được cấp Giấy đi đường, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - tỏ ra không đồng tình với thông báo của Hà Nội.

"Quy định mới này còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, bỏ sót một số đối tượng như luật sư, công chứng, thừa phát lại, đăng ký giao dịch bảo đảm, mặc dù Chỉ thị số 16 của Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội quy định các đối tượng này là đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu.

Sự thiếu sót này dẫn đến hệ quả các đối tượng trên không thuộc diện được cấp Giấy đi đường, gây cản trở, khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ bào chữa cho các bị can, bị cáo, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng." - luật sư Tuấn chia sẻ và bày tỏ mong muốn Hà Nội sẽ sớm bổ sung các đối tượng này vào diện được cấp Giấy đi đường.

Đồng quan điểm với luật sư Tuấn, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TPHCM) - cho rằng, dịch vụ pháp lý của luật sư là một dịch vụ thiết yếu.

"Chúng tôi không ra đường khi không có công việc cần thiết hỗ trợ khách hàng hay theo giấy triệu tập của các cơ quan tố tụng bởi ai cũng lo sợ dịch bệnh. Việc Hà Nội loại bỏ luật sư ra khỏi diện được cấp Giấy đi đường là bất hợp lý" - ông Bình bức xúc.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 5/9, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có văn bản gửi Công an TP Hà Nội đưa luật sư vào nhóm đối tượng số 1 - nhóm được sử dụng giấy đi đường do Thủ trưởng các đơn vị duyệt, cấp cùng với Thẻ luật sư.