1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

"Cấp cứu" cầu Long Biên bằng cách nào?

Võ Văn Thành

(Dân trí) - Trong những ngày qua, báo chí và dư luận một lần nữa lại sôi nổi lên tiếng cảnh báo về sự xuống cấp của cầu Long Biên và việc cần phải bảo tồn, cải tạo, nâng cấp cây cầu.

Cấp cứu cầu Long Biên bằng cách nào? - 1

Cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới vào thời điểm khánh thành (năm 1902). (Ảnh: baoquocte.vn).

Không phải đến bây giờ tính cấp bách mới được đặt ra. Đây là câu chuyện các chuyên gia, các nhà quản lý đã từng thảo luận hàng chục năm nay. Thật đáng tiếc, vấn đề cấp thiết ấy vẫn đang làm mọi người quan tâm, lo lắng. 

Báo Dân trí đã liên hệ với ông Phạm Quang Nghị (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội), người đã từng dự các cuộc bàn thảo, chủ trì hội nghị bàn về các phương án bảo tồn cầu Long Biên dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, và được ông cung cấp thêm một số thông tin.  

Ông nói, cầu Long Biên được đưa vào sử dụng đến nay đã hơn 100 năm, trải qua biết bao tác động của thời tiết, khí hậu, con người, các phương tiện giao thông và bom đạn chiến tranh. Công trình đã xếp vào loại cầu yếu nhưng hàng ngày vẫn đang gánh trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có cả tàu hỏa, xe máy, xe đạp, người đi bộ.

Trong tháng 5 vừa qua đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên cầu, với lỗ thủng "người chui lọt", uy hiếp an toàn giao thông. Vì cầu đã rất xuống cấp nên cảm giác bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra sự cố. Những người làm công tác quản lý ở thành phố Hà Nội cũng như người dân đều lo lắng. Đã đến lúc chúng ta cần có quyết định nhanh chóng, dứt khoát phương án cho cây cầu này, không nên kéo dài tình trạng duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu sửa đó như hiện nay.

Cấp cứu cầu Long Biên bằng cách nào? - 2

Hình ảnh tấm đan tại mặt cầu Long Biên bị sụt xuống, nhìn thấy cả mặt sông, khiến nhiều người kinh hãi, xảy ra ngày 28/5 (Ảnh: Quang Nhân).

Trong quá trình thảo luận, cho đến nay có ba phương án được các chuyên gia, các cơ quan có trách nhiệm nêu lên: Một là, bảo tồn, phục hồi cầu Long Biên giống như người Pháp đã xây nó, hay còn gọi là phục hồi nguyên trạng; Hai là, xây cầu mới tại vị trí hiện nay với phong cách kiến trúc cũ, nhưng tăng thêm hiệu quả, công năng cho các phương tiện giao thông khác; Ba là, xây cầu mới cách vị trí cầu Long Biên khoảng 70m, còn cầu Long Biên duy trì như hiện nay và hạn chế người, phương tiện qua lại.

Bảo tồn nguyên trạng - kinh phí lớn song hiệu quả kinh tế xã hội thấp?

Dù đã qua rất nhiều lần thảo luận, nhưng các chuyên gia không nhất trí được phương án nào. Phần lớn các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tha thiết đề xuất phương án bảo tồn, trùng tu, phục hồi nguyên trạng. Trước đây người Pháp làm cầu Long Biên thế nào thì bây giờ chúng ta phục hồi lại giống như thế ấy. Cầu Long Biên không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan... Đó là những giá trị phi vật thể rất lớn, khó có thể tính thành tiền bạc.

Những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của cầu Long Biên quả thật là đặc biệt. Nhưng phương án này nếu được thực hiện sẽ rất tốn kém (hiện nay chưa có cơ quan nào đưa ra được con số chính xác sẽ cần bao nhiêu kinh phí). Đồng thời, phương án này cũng rất khó khăn về biện pháp thi công. Hiện nay không ai xây dựng, lắp ghép các cây cầu hiện đại bằng công nghệ tán đinh nối các thanh dầm như thế kỷ 18-19 đã làm. Bây giờ nếu làm thì phải đầu tư từ thiết bị thi công, đào tạo nhân công… chi phí sẽ rất lớn. Chưa kể, thực trạng cây cầu có những hạng mục rất khó phục hồi nguyên trạng, như nếu phải làm lại các trụ cầu giữa lòng sông đã bị bom Mỹ phá hỏng, phải đào lên, làm lại các trụ cầu thay thế như xưa.

Xét về khả năng, nếu quyết tâm bảo tồn thì chúng ta vẫn làm được theo phương án một, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng chúng ta phải chấp nhận cái giá kinh phí bỏ ra thì lớn nhưng giá trị, công năng sử dụng, hiệu quả kinh tế… chắc chắn sẽ không bằng phương án cải tạo, nâng cấp và cũng không đáp ứng được yêu cầu qua lại của nhiều loại phương tiện giao thông trước mắt và lâu dài.

Cấp cứu cầu Long Biên bằng cách nào? - 3

Cho tới giờ, cầu Long Biên vẫn là được coi là cây cầu đẹp nhất Hà Nội. (Nguồn: hanoi1000.vn).

Chúng ta phải bỏ ra một lượng kinh phí rất lớn để phục hồi cây cầu với công năng như cách đây hơn trăm năm, ngoài giao thông đường sắt chỉ để phục vụ cho xe đạp, xe máy, đi bộ " gánh gồng ngược xuôi" thì hiệu quả về kinh tế - xã hội rất thấp, không tương xứng với số kinh phí, dù là từ nguồn nào phải bỏ ra. Hơn nữa, tĩnh không của cây cầu Long Biên hiện nay thấp nhất trên dòng sông Hồng. Tất cả các cây cầu xây sau này đều có tĩnh không cao, thuận tiện cho tàu lớn qua lại. Riêng cây cầu Long Biên vào mùa nước lớn là giao thông thủy bị tắc.

Xây cầu mới với "kiến trúc cũ"

Do vậy, nhiều chuyên gia ủng hộ phương án làm cây cầu mới tại vị trí cũ, kiến trúc theo dáng của cây cầu Long Biên, nhưng được cải tạo, nâng cấp, hiện đại hơn. Mở rộng mặt cầu, nâng chiều cao tĩnh không, giải quyết được sự thông thoáng cho giao thông thủy. Cây cầu mới vừa có chức năng giao thông đường sắt, vừa có đường cho ô tô, xe máy, người đi bộ. Bảo tồn theo hướng này, chúng ta sẽ có cây cầu lưu giữ được dáng dấp cây cầu cũ nhưng hiện đại hơn, hiệu quả kinh tế, giao thông thuận lợi hơn. Kinh phí cũng ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, qua rất nhiều lần hội thảo, phương án này luôn vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ phương án phục hồi nguyên trạng.

Dù đã thảo luận nhiều lần vẫn luôn có hai ý kiến khác, trái nhau như vậy nên các cấp có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra quyết định. Tại thời điểm hiện nay, các ý kiến bàn luận sôi nổi của cộng đồng xã hội, của các chuyên gia cũng đều xoay quanh hai phương án trên. 

Dự án bảo tồn hay nâng cấp cây cầu Long Biên là dự án giao thông quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì cùng các bộ ngành có liên quan phối hợp, do Thủ tướng quyết định. Dự án này không thuộc thẩm quyền quyết định của Thành phố Hà Nội. Cái khó không phải chủ yếu là vấn đề vốn mà là vấn đề ý kiến khác nhau trong lựa chọn phương án bảo tồn. Thành phố Hà nội có trách nhiệm phối hợp, bàn bạc và triển khai dưới sự chỉ đạo của Trung ương.

Trong khi chưa đạt được sự đồng thuận, Bộ Giao thông đưa ra phương án trung gian, gọi là phương án ba, làm cây cầu mới nằm song song cách cầu Long Biên khoảng 70m. Cầu mới có chức năng giao thông đường sắt, đường ô tô, xe máy. Còn cầu Long Biên chỉ duy tu, bảo dưỡng, chờ quyết định phương án bảo tồn. 

Là người đã dự nhiều cuộc thảo luận, đã từng trực tiếp chủ trì hội nghị vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội để tìm phương án bảo tồn cầu Long Biên, ông Phạm Quang Nghị cho biết cả hai phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Không có phương án nào là hoàn hảo cả.

Qua lắng nghe các ý kiến trao đổi, ông đã nêu quan điểm của mình và nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Đó là làm lại cây cầu Long Biên tại vị trí hiện nay với dáng kiến trúc như cây cầu cũ. Những nhịp cầu Long Biên vẫn còn nguyên vẹn ở hai đầu cầu sẽ cho di dời vào trong bờ, đặt ở vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc tham quan. Tại đây, chúng ta sẽ xây dựng một bảo tàng về cầu Long Biên, trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật... về cây cầu lịch sử này. Phương án này dĩ nhiên sẽ không thỏa mãn được 100% yêu cầu bảo tồn (nguyên trạng) nhưng là phương án kết hợp được những yếu tố hợp lý, tối ưu, cần thiết nhất, giúp tiết kiệm khoản ngân sách trong việc phải di dời dân cư, giải phóng mặt bằng ở khu vực phố cổ. Chúng ta biết rằng, nhà cửa,  đất đai ở đấy rất đắt đỏ. Và việc di dời dân cư ở đây là rất không dễ dàng.

Những ý kiến nói về sự tài trợ của nước ngoài, hoặc khả năng kêu gọi xã hội hóa, ông cho biết, đến nay chưa có cam kết nào cả (ngoài khoản tài trợ 800.000 Euro của Pháp vào năm 2008 cho một dự án nghiên cứu tiền khả thi trùng tu cây cầu). Đó mới là những khả năng mang tính dự báo mà thôi. Vả lại, đây là công việc của chúng ta.

Ông Phạm Quang Nghị nói, lúc còn làm việc ông lo đến một lúc nào đó, chẳng may cây cầu bị sập, thì không những hậu quả khó lường mà trách nhiệm cũng không biết quy cho ai. Lần này, vấn đề bảo tồn cầu Long Biên lại được các phương tiện truyền thông đề cập sôi nổi một lần nữa. Hy vọng công luận sẽ cung cấp thêm những ý kiến bổ ích, đồng thời là sự kêu gọi trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng ngồi lại một lần nữa để thảo luận, đi tới quyết định. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm