1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cấp cứu 115: Đường dây “nguội”!

Cứu người như cứu hỏa! Thế nhưng nhiều người khi gọi đến đường dây cấp cứu 115 thường phải nghe “ò... e... í...” hoặc nghe câu trả lời lạnh lùng: “hết xe, cứ chờ...”. Do không được cứu chữa kịp thời nên không ít trường hợp tàn phế, thậm chí tử vong.

“Ò... e... í... Tín hiệu điện thoại đường dây cấp cứu 115 của TP Cần Thơ thường trong tình trạng này mỗi khi người dân gọi đến nhờ cấp cứu”, nhiều người dân TP Cần Thơ đã từng khẩn cấp gọi số điện thoại “nóng” 115 bức xúc phản ánh như vậy. 

 

Anh Bảy Phúc, nhà ở khu vực xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, bức xúc: “Hôm xảy ra sự cố sập cầu Cần Thơ, tôi được người bạn cho biết lúc đó khoảng hơn 8h sáng. Tôi lập tức gọi số điện thoại cấp cứu 115 để mong giúp đỡ những người bị nạn. Gọi đến hơn chục lần đều bị tín hiệu bận máy, rồi sau đó có tín hiệu tút tút liên tục như bị gác máy... Số điện thoại cấp cứu là số cấp thiết liên quan đến tính mạng con người, sao lại liên tục có tình trạng như vậy!”.

 

Hết xe, chờ, cúp máy...

 

TP Cần Thơ là nơi tập trung nhiều bệnh viện (hơn 10 bệnh viện), chưa kể các bệnh viện quận, huyện. Tuy nhiên, hệ thống cấp cứu 115 từ trước đến nay vẫn do Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ - nay là Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - đảm trách. Đây được xem là trung tâm cấp cứu của TP này, đảm nhiệm công việc cấp cứu tại nhà, tai nạn trên đường phố, khi người dân có yêu cầu khẩn cấp.

 

Gọi là khẩn cấp nhưng khi người dân có nhu cầu gọi thì số điện thoại “nóng” này thường “nguội”. “Số 115 hả? Khi người dân bị bệnh nặng mới nhờ đến cấp cứu. Vậy mà họ thiếu trách nhiệm, chờ đợi họ đến được thì có khi người cần cấp cứu chết rồi...!” - bà Nguyễn Thị Hồng Nam, khoa sư phạm Trường đại học Cần Thơ, nói.

 

Bà bức xúc kể: “Mấy tháng trước ở khoa có trường hợp sinh viên rượt chém thầy cô giáo, có người bị chảy máu đầu rất nhiều nên tôi trực tiếp gọi số 115 nhờ cấp cứu. Đầu dây bên kia nhận tin, kêu chờ khá lâu trên điện thoại, sau đó quay lại hỏi tình trạng bị thương có nặng không, mấy người bị thương, địa chỉ... Tiếp đó nói phải xin ý kiến lãnh đạo mới điều xe đi được. Chờ mãi 20 phút... 30 phút không thấy xe, tôi phải gọi taxi và cả xe máy đưa năm người bị thương vào bệnh viện”.

 

Ông Đặng Quang Tâm, giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết: “Do số lượng xe và trang thiết bị có hạn, mặt khác chúng tôi phải đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh tại chỗ nên chỉ đi cấp cứu theo số 115 ở một số địa bàn nội ô quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy (trong vòng bán kính 10km). Các địa điểm xa hơn phải liên lạc với trung tâm y tế quận, huyện”. Ông cũng cho biết bệnh viện chỉ có bốn xe cấp cứu, nhưng khi nào cần gọi cấp cứu 115 sẽ sẵn sàng điều xe và điều người, trang thiết bị đi đến nơi.

 

Tuy khẳng định bệnh viện không lúc nào thiếu xe, nhưng đã có người bệnh bị 115 từ chối vì hết xe. Sáng 10/10, một bạn đọc tên H.T.L. ở phường An Bình, quận Ninh Kiều bức xúc kể: “Bà ngoại tôi bị cao huyết áp, đi vào nhà vệ sinh bị té bất tỉnh. Cả nhà hoảng lên, tôi lấy điện thoại gọi ngay 115. Giọng nam đầu dây bên kia cho biết bệnh viện hiện không còn xe cấp cứu. Anh này nói: “Gia đình tự sắp xếp đi!” và cúp máy. Sao các lương y ở trung tâm cấp cứu này lạnh lùng quá vậy!? Không có xe nhưng cũng không hướng dẫn chúng tôi cách cấp cứu hay số điện thoại nào khác để có thể nhờ đến!” - bạn L. bức xúc nói.

 

Lạnh lùng quá!

 

Chị Thanh Trang ở quận Bình Thủy kể: “Mới đây trên đường về nhà, tôi gặp một vụ tai nạn giao thông. Người bị tai nạn bất tỉnh nằm đó, máu chảy khá nhiều. Tôi gọi số 115 yêu cầu hỗ trợ cấp cứu. Đầu dây bên kia có một giọng nam nghe máy rất lạnh lùng, sau đó chuyển cho một người khác có trách nhiệm. Người này không hỏi nạn nhân ra sao mà chỉ hỏi: “Điện thoại bàn của chị số mấy?”.

 

Khá ngạc nhiên, tôi nói đang đi đường nên không có số máy bàn, phải gọi từ điện thoại di động. Đầu dây bên kia trả lời: “Chị phải có điện thoại bàn chúng tôi mới điều xe cấp cứu đến được” và cúp máy! Tôi quá bức xúc, tại sao một người đi đường như tôi thấy nạn nhân bị nạn giữa đường còn động lòng, còn các bác sĩ của 115 sao lạnh lùng vậy?”.

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, phụ trách khoa cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Đa khoa trung ương, giãi bày: “Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng tư thế khi có cấp cứu. Tuy nhiên, thực tế số người có nhu cầu cần dịch vụ 115 không nhiều. Có ngày chúng tôi nhận 40-50 cuộc gọi, trong đó chỉ 1-2 cuộc là thật sự cần, còn lại là chọc phá của những người thiếu ý thức vì số 115 gọi miễn phí. Phần lớn chọc phá từ số điện thoại di động”.

 

Điều dưỡng Nguyễn Thanh Sương, khoa cấp cứu, cũng khẳng định: “Anh em chúng tôi sẵn sàng đi cấp cứu khi được điều động. Chỉ cần người gọi nêu rõ số nhà cụ thể, tình trạng bệnh nhân để chuẩn bị dụng cụ, số điện thoại bàn (để liên lạc)... Tuy nhiên cũng có khi trong lúc xin ý kiến chờ điều xe, khi xe tới nơi thì người bệnh đã đi trước đó”.

 

Tiếp xúc với chúng tôi, có người nói gọi 115 làm gì cho thêm tức! Không chỉ vậy, do thiếu phương tiện nên hành trang để cấp cứu ngoại viện của các bác sĩ thường chỉ là túi thuốc cấp cứu, băng ca, bình oxy (khi cần)... - những dụng cụ quá đơn giản để có thể cấp cứu đối với những chấn thương, bệnh phức tạp.

 

70% vận chuyển không an toàn

 

Theo khảo sát của Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, số bệnh nhi cấp cứu được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng không đảm bảo an toàn xảy ra khá phổ biến, có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân. Cụ thể chỉ có khoảng 29% bệnh nhi cấp cứu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng bằng xe cứu thương, 70% còn lại được vận chuyển bằng các loại phương tiện không an toàn, như xe gắn máy, xe tốc hành, ghe, xuồng...

 

Nhiều ý kiến cho rằng việc hình thành trung tâm cấp cứu như một bệnh viện dã chiến với xe được trang bị chuyên dùng, đầy đủ trang thiết bị có thể đảm bảo cấp cứu bệnh nhân tại chỗ, ngay trên xe trở nên vô cùng cấp thiết. Không nên "đứng" tại bệnh viện chờ đợi một cách thụ động, rồi bó tay nhìn bệnh nhân chết khi được đưa đến do không được cấp cứu kịp thời.

 

Theo Thái Lũy

Tuổi Trẻ