1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cao tốc xây xong nhưng xe khách không được đi?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Một số chủ xe khách tuyến cố định phản ánh việc bị CSGT "tuýt còi" trên cao tốc do thông tin lộ trình chưa cập nhật tuyến đường này.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản phản ánh với Cục Đường bộ (Bộ GTVT) và Cục CSGT về tình trạng một số xe khách tuyến cố định bị chặn lại và yêu cầu không được đi vào đường cao tốc.

Cụ thể, xe khách tuyến cố định xuất phát từ Hà Nội đi qua cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) bị CSGT dừng xe, kiểm tra và yêu cầu không được đi vào tuyến đường này. Nguyên nhân là phù hiệu vận tải tuyến cố định dán ở kính xe chưa thể hiện lộ trình đi vào cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn.

Cao tốc xây xong nhưng xe khách không được đi? - 1

Một số đơn vị xe khách liên tỉnh phản ánh khó khăn khi lưu thông trên cao tốc (Ảnh minh họa: Thanh Tùng).

Tuy nhiên, trước đó tỉnh Ninh Bình đã phân luồng cho xe khách tuyến cố định không được đi theo quốc lộ 1 qua thành phố Ninh Bình. Điều này khiến các tài xế xe khách tuyến cố định không biết đi lối nào mới đúng quy định.

Tại phía Nam, các tài xế tuyến cố định cũng gặp phải tình trạng tương tự trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dù cao tốc này đã đi vào hoạt động có thu phí nhưng xe khách tuyến cố định vẫn chưa thể lưu thông do chưa được điều chỉnh, bổ sung lộ trình trong mã QR trên phù hiệu.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết vấn đề bất cập này chỉ xảy ra với xe khách tuyến cố định, không có ở các loại xe kinh doanh vận tải khác.

Nguyên nhân là thông tin lộ trình của xe khách chưa được ghi đầy đủ. "Từ Hà Nội về các tỉnh phía nam, lộ trình xe khách chỉ ghi qua các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, sau đó là dấu 3 chấm", ông Quyền chia sẻ.

Xét thực tế hành khách có nhu cầu đi trên cao tốc để rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển, Hiệp hội Vận tải ô tô đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam nhanh chóng sửa đổi, cập nhật lộ trình các tuyến vận tải khách cố định trên mã QR cho phù hợp yêu cầu thực tế.

Trong bối cảnh mỗi năm lại có thêm vài đoạn cao tốc thông xe, ông Quyền cho rằng việc cập nhật từng đoạn một vào lộ trình của xe khách "rất phức tạp và lặt vặt".

"Nên xử lý bằng một nguyên tắc chung. Ví dụ từ Hà Nội đi vào sẽ được đi trên cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường giao thông công cộng không bị cấm... để đơn vị kinh doanh vận tải có sự chủ động", lãnh đạo Hiệp hội góp ý.

Trước đó, Sở GTVT TPHCM cũng nhận được phản ánh của nhà xe tuyến cố định về việc gặp khó khăn khi di chuyển trên cao tốc (đặc biệt là cao tốc mới khai thác) do khi cơ quan chức năng kiểm tra mã QR trên phù hiệu "Xe tuyến cố định" thì thông tin hành trình chạy xe không ghi tên đường cao tốc đó.

Thông tin hành trình chạy xe trên phù hiệu "Xe tuyến cố định" căn cứ vào hành trình chạy xe chính (dùng cho cả 2 chiều) được Bộ GTVT công bố trên Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Do đó, Sở GTVT TPHCM đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam và Cục CSGT xem xét, phối hợp có ý kiến chỉ đạo để hỗ trợ, tạo điều kiện cho xe khách tuyến cố định di chuyển trên cao tốc nhằm phục vụ hành khách nhanh chóng, hiệu quả.