Phó Thủ tướng:
Cao tốc Bắc - Nam là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
(Dân trí) - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị “Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020”, ngày 21/2 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa.
Sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tuyến cao tốc Bắc – Nam là tuyến giao thông huyết mạch, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa kinh tế xã hội, chính trị to lớn.
Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông kéo dài hơn 2.000km, từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối 4 khu vực kinh tế trọng điểm. Trong đó, tuyến Hà Nội –TP HCM dài hơn 1.500km, với một số đoạn đã đưa vào khai thác, sử dụng như Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP HCM – Dầu Giây.
Hiện tuyến Hà Nội –TP HCM còn lại hơn 1.300km thì đã được đồng thuận đầu tư thêm 654km, với tổng mức đầu tư hơn 118.000 đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, bằng một nửa nhu cầu đầu tư ở tuyến này.
Nếu như tuyến đường cao tốc Bắc – Nam được đầu tư thông suốt từ Bắc vào Nam thì thực hiện được khát vọng về một hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Mặt khác, theo Phó Thủ tướng, khi hoàn thành sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu triển khai nhanh dự án này, đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật. Đến năm 2020 là cơ bản hoàn thành, còn năm 2021 là thông xe, còn trong năm 2019 này phải khởi công được một số đoạn tuyến.
“Thực hiện tốt công tác giải quyết các kiến nghị của người dân, các khiếu nại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định của pháp luật, không để tình trạng khiếu nại phức tạp xảy ra”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Ảnh: C.Bính)
Gấp rút triển khai giải phóng mặt bằng
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đến nay Bộ GTVT đã phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Hiện nay, 3/11 dự án, gồm: QL45 – Nghi Sơn, Nha Trang – Cam Lâm, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, do đi qua một tỉnh nên không phải phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng.
Trong khi 8 dự án còn lại, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn – QL45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Phan Thiết – Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2, đã được Chính phủ phê duyệt khung chính sách.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, hiện 10/11 dự án các địa phương đã thành lập các hội đồng giải phóng mặt bằng, riêng dự án Phan Thiết – Dầu Giây đang chỉ đạo các huyện hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trên cơ sở kiện toàn lại hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trao đổi với báo chí một số nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, hôm 21/2
Dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và triển khai cắm xong cọc ngoài thực địa, đã bàn giao cho địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc.
Dự án Cam Lộ - La Sơn đang thực hiện việc lập hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, định vị cắm cọc ngoài thực địa. Các dự án còn lại đang trong bước đấu thầu lựa chọn tư vấn.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình tổ chức giải phóng mặt bằng. “Về góc độ Bộ, chúng tôi cung cấp cho địa phương các cột mốc một cách chính xác nhất, để tránh tình trạng làm đi làm lại, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại. Còn chính quyền các địa phương phải chỉ đạo hội đồng đền bù thực hiện công tác kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, các vật kiến trúc một cách chính xác nhất”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Viết Hảo