Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5):
Cạnh tranh giữa các quốc gia thực chất là cạnh tranh nguồn vốn tri thức
(Dân trí) - Lần đầu tiên Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phát động. Thủ tướng nhận định, cạnh tranh giữa các quốc gia suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KHCN.
Đây là năm đầu tiên sự kiện được tổ chức, với chủ đề "Khoa học và công nghệ - Động lực phát triển nhanh và bền vững" với kỳ vọng sẽ khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học cho giới trẻ. Tại Lễ công bố “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những hy sinh, cống hiến thầm lặng và lao động quên mình của các thế hệ nhà khoa học Việt Nam trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, những người say mê, kiên trì theo đuổi ước mơ, hoài bão nghiên cứu sáng tạo. Thủ tướng cũng biểu dương các ngành, các cấp đã ủng hộ, hỗ trợ lực lượng KHCN hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
Thủ tướng nhận định, Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KHCN. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) của Đảng về phát triển KHCN đã nhấn mạnh phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Khoa học và công nghệ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp...
Cũng trong ngày hôm nay, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước sẽ diễn ra những hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam. Bên lề lễ công bố sẽ diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Khoa học và công nghệ; chiến lược phát triển đến năm 2020; thành tựu nổi bật của Việt Nam 10 năm qua…
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ mở cửa cho công chúng tham quan các phòng thí nghiệm và tổ chức nhiều sự kiện khoa học phong phú.
Hôm qua (17/5) tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh các nhà khoa học xuất sắc, Bộ trưởng Bộ Khọc học và Công nghệ (KH&CN)Nguyễn Quân đã có buổi đối thoại với gần 300 nhà khoa học (KH) về những vấn đề thực tế hiện nay. Tại buổi đối thoại, ông Quân thẳng thắn nhìn nhận, dù Khoa học Công nghệ (KHCN) luôn được coi là quốc sách hàng đầu, nhưng điểm lại thì lại diễn ra thực tế vẫn chưa có chính sách nào cụ thể quy định về những ưu đãi trọng dụng đối với các nhà khoa học. “Người làm KH chuyện nghiệp nằm trong hệ thống công chức viên chức, được hưởng chế độ như công chức nói chung. Tuy nhiên, họ không có phụ cấp nghề như y tế, giáo dục”.
Vừa qua, Quốc hội đã thống nhất ban hành chính sách khuyến khích, trọng dụng KHCN. Trong đó, luật KHCN tập trung ưu đãi 3 đối tượng: các nhà KH đầu ngành, các nhà KH được nhà nước tin cậy giao dự án trọng điểm quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng.
Đại biểu Bùi Lộc, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Hiện nay, trong cộng đồng KH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề có nên đầu tư cho KH cơ bản hay không. Có không ít nhà KH cho rằng, nước nghèo lạc hậu chỉ nên đầu tư cho KH phát triển. Nhiều í kiến khác lại khẳng định, cần phải đầu tư cho một cách mạnh mẽ cho nền khoa học nước nhà còn đang thiếu vốn đầu tư như hiện nay.
Đại diện Viện KHCN Việt Nam đưa ra ý kiến, hiện nay đời sống của đại đa số người làm khoa học còn khó khăn, dẫn đến tình trạng không yên tâm để cống hiến, nghiên cứu chuyên môn.
Một sự thực tế khác cũng được các nhà khoa học đề cập, nếu ở các nước tiên tiến, khoa học cơ bản thường gắn liền với nền công nghiệp thì ở nước ta, nếu nghiên cứu đạt trình độ quốc tế cao thì càng xa cuộc sống người dân. Điều đó là nhiều nhà KH trăn trở thậm chí thấy có lỗi khi chưa làm được gì giúp ích gì cho cuộc sống hàng ngày của người dân.
Đối thoại với Bộ Trưởng, ông Bùi Quang Thành, ĐH Khoa học Tự nhiên trăn trở: Hiện người Việt Nam ở nước ngoài, các DN Việt Nam và cộng đồng các nhà khoa học ở nước ngoài lên tới gần 4 triệu người. Đây chính là nguồn lực rất lớn giúp Việt Nam phát triển nhanh trong lĩnh vực KHCN. Nhưng dường như Chính phủ vẫn chưa có những chính sách ưu đãi, trọng dụng nguồn lực này
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhìn nhận: Hiện số người Việt có trình độ ĐH và trên ĐH sống ở nước ngoài rất cao, nhiều người đang sống những quốc gia có trình độ công nghệ phát triển hàng đầu trên Thế giới. Nắm bắt được thực tế, Chính phủ đã có chủ trương thu hút đội ngũ nhà Khoa học sống ở nước ngoài.
Dù vậy ông Quân cũng thừa nhận, hiện chúng ta chưa chính sách đãi ngộ các nhà khoa học một cách cụ thể. Do đó, nhiều nhà khoa học có tâm huyết với nền khoa học nước nhà vẫn chỉ tham gia ở dạng tư vấn hoặc hợp tác tư vấn. Ông Quân khẳng định, trong giai đoạn tới Chính phủ có nhiều chính sách, thủ tục cởi mở hơn nữa, nhằm tạo điều kiện tốt hơn về môi trường làm việc, để các nhà khoa học trong và ngoài nước có điều kiện cống hiến.
Phạm Thanh