Cạnh tranh bảo hiểm kéo nhau vào chỗ chết?
Ngày 24/4, đại diện lãnh đạo của hàng chục doanh nghiệp (DN) lớn ngành bảo hiểm đã có dịp gặp nhau trong cuộc hội thảo về định hướng phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam do Bộ Tài chính tổ chức. Nhiều DN đã "kể khổ" về những khó khăn do tình trạng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường này mấy năm qua…
Bằng mọi cách giành giật thị phần
Đã nhiều năm làm tổng giám đốc một DN bảo hiểm lớn (Tập đoàn bảo hiểm Việt Nam - Bảo Việt), ông Trịnh Thanh Hoan, vừa mới được điều chuyển về làm Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính xác nhận: "Các DN cạnh tranh không phải bằng chất lượng dịch vụ mà chủ yếu bằng việc đua nhau hạ phí bảo hiểm, trả hoa hồng trái quy định và không đúng đối tượng. Có nhiều DN hạ phí, mở rộng quyền lợi bảo hiểm mà không tính đến hiệu quả kinh doanh...".
Theo ông, đó là một nguyên nhân chính vì sao chi phí kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay quá cao: 12% trong khi ở các nước chỉ thường 5-6%.
Đồng tình với nhận xét của ông Hoan, ông Trịnh Quang Tuyến, Tổng giám đốc Công ty tái bảo hiểm quốc gia đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nói: "Cạnh tranh hiện nay đúng là quá mức, hoa hồng quá mức.
Các DN có nhiều lúc họp với nhau, nhất trí các biện pháp để giữ thị trường nhưng khi về rồi lại không làm. Ngay trong một DN thôi, 2-3 chi nhánh cũng đấu với nhau. Bộ Tài chính có quy định về tỷ lệ phần trăm hoa hồng DN được phép chi, nhưng trên thực tế, hoa hồng đã biến tướng thành nhiều dạng khác nhau".
"Với tình trạng cạnh tranh như hiện nay, phần phí chi trả bồi thường cho khách hàng còn rất thấp. Có DN doanh thu cả 1.000 tỉ đồng/năm nhưng lãi chỉ còn 1 tỉ đồng. Kinh tế phát triển nhưng lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm ngày càng đi xuống", ông Tuyến nói.
Ông David Tai Wai Wong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Manulife Việt Nam nói: "Tập đoàn Manulife thấy rất khó hiểu tại sao các chỉ số kinh tế của Việt Nam trong 2 năm qua đều tăng lên nhanh nhưng riêng về chỉ số về tăng trưởng thị trường bảo hiểm nhân thọ lại giảm. Số lượng DN (bảo hiểm) tăng lên nhiều nhưng đóng góp trong GDP lại giảm đi. Đây có phải là kết quả của tình trạng cạnh tranh quá mức, không lành mạnh hiện nay trên thị trường?".
Một số DN khác lên tiếng về tình trạng có những DN cạnh tranh bằng cách dùng áp lực của chính quyền, nhờ UBND tỉnh, huyện... can thiệp để độc quyền khai thác dịch vụ, gây nên tình trạng chia cắt trên thị trường.
Giải pháp nào?
Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Trịnh Quang Tuyến kêu gọi: "Tình trạng đã đến mức như hiện nay, Bộ Tài chính cần phải kiểm tra nhiều hơn xem các DN có đáp ứng các điều kiện về tái bảo hiểm, phí bảo hiểm".
Ông Trịnh Thanh Hoan, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính nhất trí: "Chúng tôi sẽ đề nghị đăng công khai trên website của Bộ Tài chính các DN vi phạm, những sai phạm lớn đăng cả lên báo chí. Nếu không kiên quyết, sẽ có tình trạng DN nhờn Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nhưng đồng thời cũng phải tôn vinh các DN làm ăn tốt".
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, ông ghi nhận các ý kiến của DN để nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng các quy định mới, hoàn thiện chính sách, thể chế về kinh doanh bảo hiểm cũng như để chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, giám sát.
Về đề nghị của các DN về việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, ông Hà nói: "Định hướng hiện nay là Nhà nước không can thiệp sâu vào các sản phẩm bảo hiểm. Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp tự xây dựng và đăng ký sản phẩm. Chỉ có một số rất ít là cần phải phê chuẩn".
Theo Mạnh Quân
Báo Thanh niên