Cảnh sát hướng dẫn cách phòng cháy khi sử dụng và kinh doanh xe điện
(Dân trí) - Theo cảnh sát, khi bình ắc quy/pin có dấu hiệu phù, nứt thì cần thay thế loại mới. Không sạc ngay sau khi vừa chạy xe, không sạc pin qua đêm, không sạc quá 8 tiếng liên tục...
Liên quan tới hàng loạt các vụ cháy có liên quan tới xe điện (xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện...) gây chết nhiều người trong thời gian qua như vụ cháy nhà dân kinh doanh xe điện ở huyện Hoài Đức làm 3 người chết, hay vụ cháy ô tô điện ở Thanh Hóa làm 2 người tử vong... Công an TP Hà Nội đã đưa ra một số nguyên nhân cháy và khuyến cáo người dân.
Nguyên nhân gây cháy, nổ ở xe điện
Theo Công an TP Hà Nội, một số nguyên nhân gây cháy các loại xe máy điện, xe đạp điện có thể kể tới như bình ắc quy xe thường có những mối nối, nếu không được cách điện tốt có thể gây ra hiện tượng phóng điện, dẫn đến cháy nổ hệ thống.
Ngoài ra, bình ắc quy kém chất lượng, khi hỏng sẽ khiến chì và axit trong bình tràn ra ngoài, gây cháy nổ.
Tiếp đó là việc sử dụng và sạc bình ắc quy không đúng cách như sạc quá lâu, nguồn điện sạc không ổn định, pin hoạt động quá tải trong thời gian dài sẽ sinh nhiệt cao, dẫn đến sự cố cháy nổ.
Theo Công an TP Hà Nội, việc để xe điện có chứa bình điện ở nơi có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao cũng sẽ khiến xe dễ bị chập điện, gây hại đến hệ thống pin.
Ngoài ra, bình ắc quy không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng cháy nổ, pin xe nhanh xuống cấp.
Cuối cùng là do ảnh hưởng của ngoại lực, việc độ, chế trên xe cũng khiến kết cấu của xe bị thay đổi, ảnh hưởng đến các dây điện, nguồn điện... khiến xe bị chập cháy.
Cách sử dụng và biện pháp phòng tránh cháy nổ xe điện
Theo Công an TP Hà Nội, đối với cơ sở kinh doanh xe điện cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; thực hiện đầy đủ nghiêm túc biện pháp an toàn PCCC khi tiến hành hàn, cắt kim loại.
Công an Hà Nội cũng khuyến cáo các cơ sở kinh doanh cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chấp hành nội quy, quy định về an toàn PCCC đối với khách hàng và nhân viên tại cơ sở.
Ngoài ra, chủ cơ sở kinh doanh xe điện không nên để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi; sắp xếp hàng hóa trong khu vực kho ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC, chống cháy lan và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ.
Theo Công an Hà Nội, tại các khu vực để trưng bày xe điện, các loại xe phải được sắp xếp thành các hàng, dãy, đảm bảo an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách PCCC. Không sắp xếp xe gần các tủ điện, thiết bị điện, không sắp xếp xe ở các vị trí che khuất các phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy.
Công an Hà Nội cũng khuyến cáo, các chủ cơ sở cần tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Kiểm tra, gia cố hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, lắp đặt bổ sung các thiết bị bảo vệ để kịp thời đóng ngắt khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Tiếp đó, các chủ cơ sở kinh doanh xe điện cần niêm yết bảng cấm lửa, cấm hút thuốc, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy định; biển cấm lửa, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ, niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn.
Ngoài ra, các chủ cơ sở kinh doanh không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, ốp trần, tường, trang trí nội thất, cách âm...; phông màn, rèm cửa phải được xử lý bằng chất chống cháy.
Còn đối với người dân, Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo, người dân khi mua xe điện cần đến địa chỉ có uy tín, chọn xe có chế độ bảo hành cùng đầy đủ tem kiểm định chất lượng, khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn, bảo dưỡng định kỳ.
Khi xe có các dấu hiệu bất thường như sạc điện không vào, xe có mùi khét hay gặp những trục trặc khác phải mang xe đến cơ sở mua, bán hoặc nơi sửa chữa uy tín để được kiểm tra.
Ngoài ra, người dân cũng nên thường xuyên đưa xe đi bảo dưỡng để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Công an TP Hà Nội, người dân cần sạc đúng quy cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất, để đảm bảo độ bền của xe và an toàn hơn khi sử dụng. Khi bình ắc quy có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy/pin mới.
Công an Hà Nội cho hay, người dân nên sạc khi pin/ắc quy gần hết, sử dụng nguồn điện phù hợp và ổn định để sạc. Không sạc pin/ắc quy ngay sau khi vừa chạy xe, nên chờ bình điện nguội trong khoảng 20 phút rồi mới sạc.
Không sạc pin qua đêm, không sạc quá 8 tiếng liên tục. Nếu xe để lâu không sử dụng, nên sạc pin đầy rồi tháo rời khỏi xe để tăng độ bền.
Ngoài ra, người dân cũng nên bảo quản pin/ắc quy đúng cách bằng cách đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc quy tại các khu vực nóng, ẩm. Không tác động lực mạnh vào bộ phận pin/ắc quy.
Công an Hà Nội cũng khuyến cáo, người dân không nên tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe.
Tiếp đó, người dân cũng nên rửa xe đúng cách. Không dùng tia nước áp lực cao phun trực tiếp vào các vị trí dưới yên xe. Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin/ắc quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại.