Cảnh sát giao thông ra quân thực hiện cao điểm dịp Tết
(Dân trí) - Theo Cục CSGT, trong đợt cao điểm, cảnh sát sẽ xử lý một số hành vi vi phạm như điều khiển xe quá thời gian quy định, tài xế dùng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện.
Sáng 15/12, tại Hà Nội, Cục CSGT tổ chức buổi lễ ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội đầu xuân 2025. Thời gian thực hiện cao điểm từ ngày 15/12 đến 14/2/2025.
Phát biểu tại buổi lễ ra quân, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tập trung cao nhất về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm này.
"Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông; kéo giảm tai nạn giao thông, phấn đấu không để xảy ra tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, hạn chế thấp nhất số vụ ùn tắc giao thông, nhất là ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng đến sự đi lại của nhân dân", Đại tá Huy nhấn mạnh.
Phát biểu triển khai kế hoạch cao điểm của Cục CSGT, Thượng tá Tô Quang Minh, Trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Phòng 6 Cục CSGT) cho biết, trong đợt cao điểm, các đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc sẽ huy động và bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
"Trong đó tập trung xử lý người điều khiển xe có nồng độ cồn, chất ma túy; vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định; xe cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải, quá khổ...", Thượng tá Minh nói.
Cũng theo Thượng tá Minh, đối với xe kinh doanh vận tải sẽ tập trung kiểm tra, xử lý thêm một số hành vi vi phạm như điều khiển xe quá thời gian quy định; không gắn thiết bị giám sát hành trình, camera hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động; dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện.
Theo Thượng tá Minh, trên các tuyến đường sắt, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với ngành đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt, đoàn tàu, nhà ga trọng điểm được phân công phụ trách...
Theo Cục CSGT, đơn vị sẽ huy động và bố trí lực lượng tập trung xử lý nhân viên đường sắt, lái tàu vi phạm nồng độ cồn, ma túy; vi phạm quy trình tác nghiệp; người điều khiển phương tiện đường bộ qua đường ngang, lối đi tự mở không chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, đèn tín hiệu...
Đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, Cục đề nghị các lực lượng làm nhiệm vụ phải thông qua các biện pháp nghiệp vụ xác minh tại chỗ và gửi yêu cầu xác minh đến công an cấp xã nơi người đó công tác, cư trú để làm rõ các nội dung liên quan phục vụ công tác xử lý và quản lý người vi phạm.
"Trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm phải thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để phối hợp, xem xét, xử lý nghiêm", Cục CSGT cho biết.