Xử lý xe quá tải dọc tuyến quốc lộ 1:
Cảnh sát giao thông căng mình trên những cung đường nóng
Xe quá tải đi trên đường, người dân sẽ rỉ tai nhau: “Cảnh sát giao thông (CSGT) đâu nhỉ, sao để lọt?!”. Thời tiết nắng gắt, hay mưa dầm, gió bấc, thì CSGT cũng là người phơi mặt ra đường để đảm bảo giao thông, kiểm soát xe quá tải.
Khi cánh lái xe bức xúc, thậm chí manh động làm liều, CSGT cũng là người trực tiếp lắng nghe, giải thích. “Hứng” mọi lời đàm tiếu, song cũng đủ kiên cường đón nhận khó khăn và quyết tâm giải quyết đến cùng sự việc. 24/24h, họ, những chiến sĩ Cảnh sát vẫn luôn bám đường, thực hiện hết mình trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
11h ngày 7/8, tại trạm cân phía Bắc Cầu Gianh (Quảng Bình), nắng gắt, gió thổi phần phật. Thế nhưng, cả trạm cân liên ngành chỉ có duy nhất một chiếc ô che nắng giành cho cán bộ lập biên bản và lái xe vi phạm ngồi làm việc. Để không lọt xe quá tải, hầu hết cán bộ CSGT phải đứng giữa đường quan sát dòng xe ngược xuôi.
Trao đổi nhanh với phóng viên, Đại úy Nguyễn Xuân Ngọc chia sẻ, mỗi ca trực của anh em là 4 tiếng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nghỉ cũng như ngày lễ, anh em đều không rời vị trí. Tuy nhiên, ở Quảng Bình mùa này ít mưa, nắng gắt là chủ yếu. Nắng cuốn bụi bay mù đường, hơi nóng phả từ mặt đường nhựa, khiến mặt ai người nấy cứ ngày một sạm đen. Dù mệt, nhưng mỗi lần có xe vi phạm, lái xe yêu cầu cân lại xe, hoặc đòi giải thích quy định này, quy định kia, anh em vẫn kiên nhẫn giải thích, cho đến khi lái xe phục thì thôi. Chưa dừng lại ở đó, để tránh tình trạng xe “né” trạm, anh em còn thường xuyên thay nhau tuần tra kiểm soát trên đường, để tránh có diễn biến phức tạp.
Tại nhiều cuộc họp về an toàn giao thông gần đây, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cũng phải thừa nhận rằng, cho đến thời điểm này, tình trạng xe quá khổ, quá tải trên nhiều tuyến đường đã được kìm chế. Thế nhưng, khái niệm đoàn xe “hổ vồ”, đoàn xe “vua” vẫn còn được người ta nhắc đến nhiều. Qua 3 tỉnh thành, phóng viên đều đặt câu hỏi, liệu trên tỉnh mình có đoàn xe “vua” hay không? Câu trả lời chung là “chúng tôi không có khái niệm đấy”. Song, hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng, trong quá trình xử lý xe vi phạm quá tải, không ít lần nhận được những cuộc điện thoại nhờ can thiệp, hoặc thậm chí lời đe dọa của người này, người kia.
Thượng tá Cao Minh Phượng, Trưởng Phòng CSGT Công an Nghệ An thẳng thắn cho biết: “Quan điểm của tôi rất rõ ràng trong chuyện xử lý xe quá tải là “không có chuyện can thiệp, tôi sẽ không bao giờ bỏ qua”. Vị này cũng dẫn chứng thêm, trong một tháng xử lý cao điểm gần đây nhất, riêng lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, xử lý 9.764 trường hợp vi phạm, trong đó lỗi chở hàng quá trọng tải, quá khổ là 1.368 trường hợp. CSGT Nghệ An phụ trách tới 84km đường quốc lộ và 25km đường tránh, nên ngoài trạm cân liên ngành, chúng tôi thường xuyên tổ chức các đội tuần tra kiểm soát, chốt trực hai bên đầu tuyến QL và một số điểm trên đường tỉnh lộ để tăng cường xử lý, kể cả trong những ngày nghỉ, nếu không nghiêm, thì giờ này xe quá tải có mà “rầm rầm” trên đường.
Một chiếc xe quá tải tới hơn 50% trọng tải.
Với các chiến sĩ, cũng như CSGT tỉnh Hà Nam, tình cảnh cũng không khác gì. Phụ trách 36km tuyến đường quộc lộ, thế nhưng trên địa bàn lại có mỏ đá lớn, lượng xe vào ra nhiều, nên chỉ cần “sao nhãng” là xe quá tải vượt trạm ngay. “Siết” chặt quá, không ít lần chúng tôi đã nhận được sự đe dọa từ chính cánh lái xe, thậm chí, có lần tài xế đã lái xe đâm thẳng vào trạm cân, may mà cán bộ chiến sĩ tránh kịp.
Thượng tá Nguyễn Khánh Trường - Phó Phòng CSGT tỉnh Hà Nam chia sẻ: Từ 1-4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã thành lập và duy trì tới 7 trạm cân, chốt trực 24/24h, trong đó có 2 trạm liên ngành và 5 trạm trực, tuần tra của lực lượng CSGT, duy trì cắm chốt trên các tuyến đường trọng điểm gần các bến bãi tập kết nguyên vật liệu. Sau hơn 3 tháng kiểm tra (kể cả ngày lễ và ngày nghỉ), đã có hơn 5.000 trường hợp được kiểm tra, trong đó có tới 1.135 trường hợp vi phạm. Cùng đó, lực lượng CSGT, TTGT tỉnh Hà Nam đã tập trung kiểm tra, xử lý hơn 200 trường hợp tự ý cơi nới kích thước thành thùng xe (xe “hổ vồ”).
Điểm đáng mừng là, từ một tỉnh có khối lượng xe “hổ vồ” tương đối, đến nay, đã có hơn 90% các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải đã tự giác thực hiện nghiêm túc việc cắt bỏ, tháo dỡ phần thành thùng xe cơi nới. Dù đã nỗ lực cố gắng, song lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Hà Nam, Nghệ An, cũng đều thừa nhận rằng, điều khiến họ cảm thấy lăn tăn là chưa thể xử lý triệt để xe quá tải, nhất là các xe quá tải hoạt động trong các mỏ khai thác vật liệu.
Chia sẻ thêm với phóng viên, một số CSGT làm công tác xử lý trực tiếp trên đường đánh giá: cân trọng tải ở một số địa phương hay bị hỏng, hay xảy ra sự cố, có kết quả không chính xác (Hà Nam, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Thọ, Lào Cai…), khiến nhiều chủ hàng, lái xe có khiếu nại và không ký biên bản. Hay như tại nhiều địa phương, chưa xây dựng phương án giải quyết các tình huống tụ tập gây rối, gây ùn tắc giao thông, “cò” xung quanh trạm kiểm tra tải trọng xe, chống người thi hành công vụ. Bởi vậy, nhiều địa phương kiến nghị, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan quản lý đường bộ siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ. Rà soát, bố trí đầy đủ biển báo tải trọng cầu, đường để người tham gia giao thông biết thực hiện và làm căn cứ để xử lý vi phạm quá tải trọng cầu đường. Đồng thời, tập huấn kỹ quy trình vận hành, sử dụng cân cho lực lượng tham gia. Cho cắm biển cấm dừng xe, đỗ xe tại nơi có tình trạng nhiều xe chở hàng quá tải trọng dừng, đỗ ở hai đầu trạm kiểm tra tải trọng xe để chờ thời điểm thuận lợi vượt trạm. Cụ thể hơn, lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Nghệ An cho rằng, dù Cảnh sát có căng hết mình ra làm việc, song nếu cơ quan chức năng không xử lý từ gốc, từ các kho hàng bến bãi, và không có sự đồng thuận, thống nhất từ các tỉnh thành trên cả nước thì việc “siết” xe quá tải khó hiệu quả lâu dài. Còn Trung tá Bùi Quang Thanh - Trưởng phòng CSGT, Công an Quảng Bình chia sẻ, để ngăn chặn tình trạng xe cố tình dừng hai bên đầu trạm, biện pháp duy nhất là bố trí hai tổ tuần tra, kiểm soát thường xuyên hoạt động.
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, hiện nay trên toàn quốc đã có 63/63 trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) liên ngành hoạt động. Gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát tham gia. Kết quả, đã có dừng, kiểm tra 44.531 xe ôtô, phát hiện và lập biên bản 16.418 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước hơn 46,3 tỷ đồng; tạm giữ 368 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX là 9.132 trường hợp. Trong đó có 5.207 phương tiện vi phạm chở quá tải trên 60% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và trên 50% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên. Phân tích trong 13.940 trường hợp vi phạm có 5.261 xe do địa phương quản lý, 8.679 xe do địa phương khác quản lý. |
Theo Thanh Huyền
Công an nhân dân