Cảnh giác, tẩy chay thông tin bôi nhọ, ngụy tạo
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chỉ rõ hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm: xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân. Đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật VN.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu trong chương trình truyền hình "Đối thoại và Chính sách" của VTV1 tối 14/1 với chủ đề "Đối phó với thông tin nguy hại".
Chiến tranh thông tin truyền thông
Câu hỏi đặt ra là những thông tin sai lệch, bịa đặt, thông tin xấu có tác động thế nào đến đời sống xã hội và các cơ quan quản lý làm gì để ngăn chặn những trang mạng có nội dung nguy hại. Cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao cho hay đang có nguy cơ chiến tranh thông tin trên mạng. Những thông tin xấu, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ lan truyền trên mạng đang bộc lộ mặt trái vô cùng nguy hiểm. Việc kiểm soát các thông tin này khó vì không có thông tin chính thống.
Đề cập mức độ tấn công, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay Internet và các trang mạng xã hội phát triển mạnh. Do đặc thù của Internet và các trang mạng xã hội nên các thế lực thù địch cũng như kẻ xấu đã lợi dụng để tấn công vào nước ta bằng nhiều chiêu bài khác nhau.
Theo Thứ trưởng, hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm - xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân, giảm sút niềm tin của dân với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết, tạo sự ngờ vực trong xã hội.
"Có thể gọi chung đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật VN. Loại tội phạm này có thể bị xếp vào những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước. Như ở Anh tội phạm này bị xếp ngang hàng tội phạm tấn công khủng bố, thảm họa hạt nhân..." - ông nói.
Ông chỉ rõ mục đích của tội phạm là chống phá Đảng, Nhà nước VN cùng lãnh đạo các cấp.
Một điều bịa đặt khó tin, bằng phương pháp tuyên truyền khôn ngoan, dai dẳng, sẽ làm cho quần chúng tin rằng tin rằng thiên đường là địa ngục, địa ngục là thiên đường. Thậm chí Hitler từng có một kỹ thuật đó là sử dụng chiêu nói dối vụ lớn với dân chúng.
Thông thường người ta chỉ dám nói dối vụ nhỏ, nhưng với công chúng, khi tiếp cận vụ nhỏ thì họ không tin nhưng khi tiếp cận vụ lớn lại tin. Bởi họ tin rằng không ai có thể trơ tráo nói dối vụ lớn, nên càng vụ lớn sẽ càng tin.
Hàng trăm trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài có nội dung xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng, Nhà nước, nói xấu lãnh đạo VN cũng sử dụng chiêu bài tương tự như vậy. Không chỉ tấn công Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, gây mâu thuẫn Đảng với dân, giảm sút niềm tin của dân với Đảng, giữa cán bộ với nhau mà còn giữa nhân dân tôn giáo và nhân dân không tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Nêu quan điểm, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng nói, việc lực lượng phản động tung tin, dùng biện pháp tuyên truyền sử dụng Internet để chiếm trái tim khối óc hàng triệu công chúng là một thực tế cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với chiến tranh thông tin truyền thông.
Nguy hại ở chỗ, thông tin lan truyền nhanh được nhân với tốc độ khủng khiếp càng khiến thông tin được bổ sung nhanh chóng. Chỉ cần thông tin được truyền qua Facebook, điện thoại di dộng, thông tin được nhân lên hàng triệu bản. Do đó phải nhận biết để chống thế lực phản động chống phá hệ thống đất nước suy yếu, mất sự ủng hộ của nhân dân.
Phản công thông tin
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, loại tội phạm không giản ảo là tội phạm giấu mặt nguy hiểm. Do các trang tấn công vào VN có máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật VN khó.
Trước sóng truyền hình, ông chuyển thông điệp đến toàn thể người dân VN cần phải cảnh giác, tẩy chay thông tin độc hại, không tiếp tay cho tội phạm thông tin ảo lan truyền thông tin.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn
Câu hỏi đặt ra đó là khả năng phản ứng của các nguồn chính thống trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, ngụy tạo đầy nhạy cảm. Bởi nếu cơ quan chức năng, báo chí chính thống phản ứng không nhanh chóng, lên án thông tin xuyên tạc bịa đặt sẽ khiến thông tin thời gian phát tán nhanh và nhiều người đọc sẽ thẩm thấu thông tin đó. Rồi khi lên tiếng thì thông tin đã lan truyền với mức độ cấp nhân lớn. Việc phản ứng sau đó ít nhiều bị ảnh hưởng, bất lợi.
Ông Sĩ Dũng nhắc lại có thông tin trên trang mạng đăng tải một tòa lâu đài ở một nước Arập và vu đó là lâu đài của một vị lãnh đạo cấp cao của VN. Đọc qua đã có thể nhận diện ngay đó là thông tin bịa đặt. Nhưng lúc đó phản ứng từ trong VN đối với thông tin bịa đặt đó là sự im lặng.
"Chúng ta phải chủ động, phải học cách phản công thông tin như vậy" - ông nói và cho rằng, sự im lặng có thể khiến cho dân chúng bán tín bán nghi. Điều bất lợi đó là những thông tin đi trước luôn có ưu thế và thông tin phản bác dễ bị nghi ngại.
"Thông tin phản bác kịp thời nhanh bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nếu chậm chưa chắc làm người ta thay đổi lòng tin. Phải tổ chức lực lượng xử lý thông tin như thế này. Đưa lại thông tin trung thực, lập luận phản bác rõ ràng, khách quan, trung thực".
Thứ trưởng TT&TT cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí truyền thông tấn công trực diện vào thông tin xấu, độc hại.
Ông cũng lưu ý việc chủ động cung cấp thông tin. "Trước sự tấn công của tội phạm không gian ảo, nếu không tích cực, chủ động cung cấp thông tin chính thống thì tạo khoảng trống cho thông tin xấu, độc hại xuyên tạc. Phải cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên, chính xác, ;iên tục mới ngăn chặn thông tin độc hại, xấu" - ông phát biểu
Thứ trưởng nhấn mạnh yếu tố "thông tin kịp thời để làm rõ vấn đề" , Vai trò của người làm báo mạng hết sức to lớn, cần phân tích, xử lý thông tin độc hại, để cho độc giả biết và không tin vào thông tin độc hại.
Giáo dục nhận thức để không ngây thơ
Trong thông tin, thông tin đi trước có lợi nên khi hiện tượng xảy ra thì phải kịp thời cung cấp thông tin cho độc giả. Câu hỏi đặt ra về cơ chế sẵn sàng cung cấp thông tin chính thông cho báo chí?
Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng
Thứ trưởng cho biết có nhiều cơ quan chủ động cung cấp thông tin như Bộ TT&TT, Bộ GTVT, Y tế khi cung cấp thông tin chính thống sẽ giúp thông tin sai lệch giảm đi. Theo đó các cơ quan nhà nước phải làm tốt công việc này, nhất là làm tốt vai trò người phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy và liên tục.
Tiến sĩ Sĩ Dũng cho biết luật tiếp cận thông tin đang được xem xét ở UBTVQH đề cập các quy định liên quan đến việc cung cấp thông tin, thẩm quyền và vai trò của từng cấp trong việc cung cấp thông tin. Ông nhấn mạnh việc không đề xảy ra chuyện cơ quan này nhìn cơ quan kia và chờ lên mãi khiên việc cung cấp thông tin bị chậm.
"Phải phân định rõ cơ quan nào, thông tin nào cung cấp thông tin và báo chí phải biết thông tin là ở cơ quan đó và tiếp cận cơ quan đó. Hiện tượng chờ lên nhiều không nên như vậy. Một hệ thống như vậy thì sẽ thua trong cuộc chiến thông tin. Phải rõ trách nhiệm của ai để kịp thời cung cấp thông tin" - ông phát biểu
Ông cũng cho rằng, đối với những thông tin bôi nhọ về lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp thì các cơ quan phải có trách nhiệm cung cấp thông tin. Mỗi vị lãnh đạo đại diện cho một cơ quan, một thiết chế Nhà nước, đằng sau người lãnh đạo của cơ quan đó còn là hình ảnh quản trị của ta. Do đó, việc cung cấp thông tin không còn là trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo nữa mà của chính cơ quan liên quan.
Phó Chủ nhiệm VPQH cũng cho rằng cần phải đảm bảo hệ thống áp đặt xử lý pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, vu khống một người là vi phạm pháp luật và đương nhiên bị xử lý theo quy định pháp luật, nếu động đến an ninh quốc, ổn định hệ thống thì chịu án hình sự. Ông cũng gợi ý việc tổ chức lực lượng cảnh sát mạng.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, khó khăn nhất hiện nay đó là tội phạm không gian mạng ảo, hoạt động xuyên biên giới, nằm ở trang mạng không thuộc quyền cấp phép, xử lý của cơ quan quản lý VN vì liên quan luật pháp nước khác. VN là nước có tốc độ phát triển internet nhanh, tạo môi trường thông thoáng, nhưng tự do thông tin phải tuân thủ pháp luật, xử lý vấn đề cần chế tài đủ rõ hơn, đủ mức độ răn đe mạnh hơn.
Bộ TT&TT đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hành lang pháp lý tạo cơ sở thực hiện công tác bảo đảm an ninh mạng. Ngoài những giải pháp kỹ thuật, pháp lý thì cũng phải giáo dục nhận thức để cư dân mạng miễn nhiễm thông tin xấu, độc, tăng cường giáo dục.
Ông Sĩ Dũng đồng tình ngoài các biện pháp kỹ thuật thì cần đẩy mạnh giáo dục, nhận thức để cư dân mạng, 36 triệu người tiếp cận thông tin Internet không phải là ngây thơ, nếu xuyên tạc thì chỉ tham khảo, họ tìm hiểu ra không phải thì loại bỏ những trang mạng xấu
Thứ trưởng Minh Tuấn nhắn nhủ những người làm báo mạng cần quan tâm sự trung thực, cách tiếp cận sự kiện, nêu vấn đề đứng trên lợi ích lâu dài của dân tộc, mang tính xây dựng. Nói cái xấu để khắc phục sữa chữa, nói cái tốt để khuyến khích phát triển, phải lấy cái tích cực lấn át cái tiêu cực.
Theo Linh Thư
VietNamnet
Nguồn clip: VTV