1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cảnh giác móc túi khi mua hàng “đổ đống”

(Dân trí) - Các nơi bày bán hàng hạ giá tập trung nhiều người mua như ở cổng chợ Mơ, chợ Ngã Tư Sở, chợ Nghĩa Tân hay đường Chùa Bộc… cũng là nơi thường xuyên xuất hiện kẻ móc túi.

Hơn 18h, trong lúc đợi bạn, ghé xem hàng bày bán dưới đất ngay cổng chợ Mơ, Hương, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân giật mình khi phát hiện có cặp mắt người lạ nhìn không rời chiếc túi xách của mình.

Một phụ nữ khoảng 40 tuổi, mặc bộ nỉ màu tím than cứ tìm cách “áp sát” vào cô. Lợi dụng khi Hương mải chọn cặp tóc, đối tượng nhẹ nhàng kéo khoá và thò tay vào túi. Theo linh tính, Hương ngoảnh lại nhìn, bà ta tảng lờ quay đi.

“Đã vào đám đông là dễ có kẻ cắp, chợ họp là có kẻ cắp”, đó là câu nói đúc kết của ông Nguyễn Đức Hải, phó Ban quản lý (BQL) chợ Ngã Tư Sở.

Khách hàng đến chợ Ngã Tư Sở gửi xe ngay ở cổng ra vào đã được các nhân viên trông xe nhắc nhở phải cảnh giác, giữ túi xách cẩn thận. Những tháng đầu năm 2008, tình trạng mất đồ khi mua hàng giảm giá tại các cổng chợ, vỉa hè tăng cao và phần đông nạn nhân là đối tượng học sinh, sinh viên.

Lý giải vấn đề này, ông Hải nói: “Giá của các mặt hàng “đổ đống” rất phải chăng nên thu hút được nhiều học sinh, sinh viên và người lao động. Càng tập trung đông người, lộn xộn thì kẻ gian càng dễ hoạt động. Nhiều phần tử trộm cắp “chuyên nghiệp” đã vào tù ra tội mấy lần, cứ mãn hạn lại quay về hành nghề như cũ”.

Theo BQL chợ Mơ, gần đây trộm cắp móc túi là nữ giới chiếm tỷ lệ rất cao. Những cái tên Oanh “điên”, Phượng “Thích ca”, Diễm “lác”... đã quá quen thuộc với những người trong BQL chợ Mơ.

Ông Phùng Mạnh Tuấn, phó BQL chợ cho biết: “đây đều là những đối tượng nghiện nặng, bất chấp tất cả để có tiền chích hút, kể cả một vài chục nghìn của học sinh, sinh viên. Quản lý những trường hợp “không còn gì để mất” như thế, lại là nữ giới dễ trà trộn vào người mua hàng là một vấn đề vô cùng nan giải”.

“Thôi đi đi, không bán nữa, ra chỗ khác mà mua...”, thay bằng những lời mời ngọt ngào, chị Lan, bán hàng ở cổng chợ Mơ phải “nhiệt tình” đuổi khách đi. Khách ngạc nhiên còn chị thì thấy tiếc lắm nhưng chị làm vậy vì “không đành lòng để mấy em sinh viên bị mất tiền nên phải nhắc khéo thôi”.

Có những ngày chị Lan chứng kiến 5 - 6 người bị móc túi, phần nhiều chị tận mắt thấy hành động của chúng. Dù vậy, chị không dám nhắc khách hàng, nhiều lắm cũng chỉ cố gắng ra hiệu cho khách hàng biết. Ai hiểu ý thì tránh được không thì đành chịu trận.

Đối với những đối tượng móc túi thì chỉ có thể xử lý khi “bắt được tận tay”. Tuy nhiên, nếu số tiền ăn cắp không quá 500.000 đồng thì khi chuyển sang công an cũng chỉ bị phạt hành chính...

Để giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực chợ, cần phải có sự phối hợp giữa nhân dân, khách hàng với BQL chợ và công an phường, quận. Nhưng, theo như ông Nguyễn Đức Hải, “cái cơ bản nhất vẫn là ý thức của những người đi mua hàng phải biết tự bảo quản, phải nâng cao cảnh giác khi đến chỗ đông người”.

Minh Huệ - Ngọc Bích