Cảnh giác bánh kẹo, thức ăn quá đát bị "phù phép" tuồn vào TPHCM dịp Tết

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cảnh báo, trước một cái Tết khó khăn khi nhiều công nhân mất việc làm, người dân có thể ưu tiên mua hàng trôi nổi, không nguồn gốc.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị Sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TPHCM và các tỉnh, giai đoạn 2021-2025, diễn ra ngày 3/12, Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (QLATTP) cho biết, hiện nay cơ quan chức năng đang phải đang tập trung chuẩn bị, thanh kiểm tra cho dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.

Cảnh giác bánh kẹo, thức ăn quá đát bị phù phép tuồn vào TPHCM dịp Tết - 1

Bà Phạm Khánh Phong Lan (Ảnh: Hoàng Lê).

Song song đó, Ban QLATTP TPHCM cũng đã xây dựng các chuyên đề kiểm tra toàn bộ hệ thống các siêu thị, kiểm tra đột xuất không báo trước, và xử lý nghiêm các vi phạm. Bà Lan cho rằng, hành động trên không có nghĩa là tình hình sẽ yên ổn, thực phẩm sẽ đảm bảo hoàn toàn. Nếu chúng ta không cảnh giác, việc giả mạo sản phẩm sẽ xảy ra ở bất cứ nơi đâu.

Theo bà Phong Lan, trong dịp cuối năm, Tết đến là thời điểm tập trung tiêu thụ sản phẩm rất nhiều. Nguy cơ lớn nhất là thực phẩm quá hạn dùng, quá đát, ôi thiu… có thể được tích trữ trong hệ thống các kho lạnh, sau đó tung ra thị trường. Đây là vấn đề mang tính thời vụ. Còn nguy cơ luôn luôn hiện diện là việc tồn tại các hóa chất độc hại trong các thực phẩm.

Cảnh giác bánh kẹo, thức ăn quá đát bị phù phép tuồn vào TPHCM dịp Tết - 2

Người dân mua thịt, rau củ, sản phẩm đông lạnh tại siêu thị ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Trưởng Ban QLATTP TPHCM ví dụ về tỷ trọng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả. Theo thống kê, trước đây mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ 2,6 triệu USD tiền thuốc bảo vệ thực vật. Gốc rễ vấn đề là từ cách trồng trọt, nếu người nông dân không được tập huấn, không có ý thức trách nhiệm mà cứ sử dụng vô tội vạ sẽ làm hại môi trường và hậu quả nghiêm trọng sẽ do con người gánh chịu.

Dù vậy theo bà Lan, điều kiện sản xuất của Việt Nam đang được cải thiện, số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu và tiêu thụ đã giảm dần theo từng năm. Trong các năm vừa qua, Ban QLATTP TPHCM đã liên tục lấy các mẫu tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không chỉ ở các chợ truyền thống mà còn ở cả các siêu thị và nhận thấy, tỷ lệ vi phạm có giảm.

Trở lại với Tết Nguyên đán, bà Lan chia sẻ, trong dịp lễ này, người dân hay có thói quen biếu tặng. Nguy cơ lớn nhất nằm ở việc sử dụng sản phẩm quá đát, đặc biệt là đồ chế biến sẵn, như bánh mứt, kẹo đã hết hạn sử dụng bị "phù phép", đóng mác mới để tiếp tục tiêu thụ trở lại.

Cảnh giác bánh kẹo, thức ăn quá đát bị phù phép tuồn vào TPHCM dịp Tết - 3

Bánh kẹo bày bán tại một siêu thị ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

"Tết này là cái Tết rất khó khăn, bởi chúng ta vừa thoát khỏi đại dịch Covid-19, những phục hồi kinh tế đang nhen nhóm nhưng cũng có nhiều biến động. Rất nhiều công nhân mất việc làm, lương cũng chưa được tăng ngay. Một mặt, người dân sẽ tiết giảm tiêu thụ, nhưng mặt khác lại ưu tiên mua thực phẩm, hàng hóa trôi nổi, không có nguồn gốc, nguy cơ sẽ càng lớn hơn nữa.

Tôi chỉ khuyên, nếu có ít thì chúng ta ăn ít vẫn tốt hơn. Hãy mua hàng ở những nơi có xuất xứ rõ ràng, những cơ sở hợp pháp, cũng là ủng hộ cho những nơi làm thực phẩm sạch" - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.