1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cảnh báo sau vụ mì tôm Hảo Hảo, mì khô Thiên Hương bị thu hồi

(Dân trí) - Xuất khẩu thực phẩm và nông sản sang EU, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn của EU. Khi có thông tin cảnh báo, các doanh nghiệp phải rà soát lại quy trình, tập trung vào mối nguy...

Liên quan đến vụ việc sản phẩm mì tôm vị chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo của Công ty CP Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland và sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty CP thực phẩm Thiên Hương bị thu hồi ở Na Uy,  phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để hiểu rõ hơn về câu chuyện này.

Cảnh báo sau vụ mì tôm Hảo Hảo, mì khô Thiên Hương bị thu hồi - 1

Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland vừa ra thông báo thu hồi một số lô mì ăn liền Hảo Hảo vì có chất cấm (Ảnh: FSAI).

- Được biết vừa qua Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty CP thực phẩm Thiên Hương và sản phẩm mì tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo của Công ty CP Acecook Việt Nam, vậy ông có thể nói rõ hơn nội dung EU cảnh báo là gì?

- Hàng năm, EU đều gửi các cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vi phạm quy định của EU đến các quốc gia xuất khẩu (trong đó có Việt Nam) thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh RASFF.

Kết quả phân tích chất ethylene oxide trên hệ thống cảnh báo RASFF số: 2021.4233 là 0,066 mg/kg liên quan đến mì tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam và số 2021.4177 là 0,052 mg/kg liên quan đến mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương. Theo chỉ thị số 91/414/EEC của EU, hàm lượng ethylene oxide trong các loại thực phẩm này phải dưới 0,05 mg/kg.

Như vậy, theo quy định của EU thì 2 sản phẩm này bị cảnh báo ở mức rủi ro nghiêm trọng (serious risk), nên phải thu hồi/tiêu hủy.

Cảnh báo sau vụ mì tôm Hảo Hảo, mì khô Thiên Hương bị thu hồi - 2

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

- Tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khối EU, chất ethylene oxide có được phép sử dụng để sản xuất đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty CP thực phẩm Thiên Hương và sản phẩm mì tôm chua cay nhân hiệu Hảo Hảo của Công ty CP Acecook Việt Nam hay không, thưa ông?

- Theo quy định thì chất ethylene oxide hoàn toàn không được dùng để sản xuất 2 sản phẩm trên, ở cả Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

- Như ông nói, ethylene oxide là chất không được phép sử dụng và tất nhiên là hai công ty trên cũng không được phép dùng chất này để sản xuất mì tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo hay mì khô vị bò gà. Vậy tại sao ethylene oxide lại có trong sản phẩm này, dẫn đến EU cảnh báo, thu hồi, thưa ông?

- Sau khi doanh nghiệp tiến hành rà soát và các cơ quan chuyên môn vào cuộc thì sẽ có câu trả lời.

- Được biết, Văn phòng SPS Việt Nam có chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên của WTO về các vấn đề  vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật, vậy thời gian qua Văn phòng SPS Việt Nam đã thực hiện chức năng này như thế nào, thưa ông?

- Văn phòng SPS Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 99/2005/QĐ-TTg ngày 9/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ, là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Văn phòng SPS Việt Nam thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS; có nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

- Trước cảnh báo của EU về nguy cơ mất an toàn thực phẩm nói trên, không riêng gì chất ethylene oxide, ông có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp?

- Đối với doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ và cập nhật thông tin về các quy định SPS của thị trường nhập khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của từng thị trường đó, vì quy định về SPS là quy định bắt buộc áp dụng.

Ví dụ, xuất khẩu thực phẩm và nông sản sang EU, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn của EU. Khi có thông tin như trên, các doanh nghiệp bắt buộc phải rà soát lại toàn bộ quy trình từ nguồn gốc nhập nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển,… tập trung vào các mối nguy. Về nguyên tắc các lô hàng xuất khẩu đều có hồ sơ gốc ghi đầy đủ thông tin về kiểm soát mối nguy trong cả quá trình sản xuất.

- Xin cảm ơn ông!