Cảnh báo nhập siêu gia tăng
Với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 14,439 tỷ USD, nhập khẩu 18 tỷ USD đã đẩy mức nhập siêu hàng hoá 6 tháng đầu năm lên 3,561 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kết quả này là mức cao nhất trong mấy năm qua.
Thứ nhất, nhập siêu với quy mô lớn và liên tục gia tăng. Nếu năm 1999, nhập siêu mới là hơn 200 triệu USD thì năm 2001 đã tăng lên hơn 1,1 tỷ USD, năm 2003 là hơn 5 tỷ USD và năm ngoái, con số này là gần 5,5 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm nay, đã nhập siêu tới hơn 3,5 tỷ USD. Cứ đà này thì nhập siêu của cả năm nay sẽ vượt ngưỡng 7 tỷ USD.
Thứ hai, nhập siêu hoàn toàn do khu vực kinh tế trong nước. Mặc dù, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có xuất siêu, nhưng cũng không đủ bù lại phần nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước. Đã vậy, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước lại gia tăng cả về giá trị tuyệt đối, lẫn tỷ lệ nhập siêu. Nhập siêu của khu vực này năm 2003 là gần 6,5 tỷ USD, xấp xỉ 64% kim ngạch xuất khẩu, còn năm ngoái, nhập siêu là hơn 8,8 tỷ USD, bằng khoảng 75% kim ngạch xuất khẩu.
Điều đó chứng tỏ, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài lợi thế về vốn, kỹ thuật - công nghệ, trình độ tay nghề, quảng cáo tiếp thị… còn tranh thủ tốt hơn những thời cơ nhằm đẩy nhanh xuất khẩu khi các nước thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan.
Còn khu vực kinh tế trong nước, tuy xuất khẩu tăng nhưng nhập khẩu còn tăng cao hơn. Như vậy, khu vực kinh tế trong nước chưa tận dụng hết được cơ hội xuất khẩu, trong khi nhập khẩu lại không vượt qua được thách thức lớn hơn khi nước ta cũng phải thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu.
Thứ ba, trong khi xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu thì Việt Nam lại nhập siêu rất lớn từ các nước châu Á. Năm 1995, Việt Nam mới chỉ xuất siêu sang Hoa Kỳ 40 triệu USD thì đến năm 2001, xuất siêu đã đạt hơn 650 triệu USD.
Con số này tiếp tục tăng lên tới gần 2 tỷ USD vào năm 2002 và vượt qua mốc 3,3 tỷ USD vào năm 2003. Đối với thị trường EU, xuất siêu của Việt Nam cũng khá cao. Trong hai năm 2000, 2001 chúng ta xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD, đến năm 2003 thì xuất siêu đạt hơn 1,6 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam lại nhập siêu tương đối lớn từ khu vực châu Á. Năm ngoái, Việt Nam nhập siêu lớn nhất là từ Đài Loan với gần 2,2 tỷ USD, kế đến là Singapore với gần 1,9 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc gần 1,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, Mỹ và EU là những thị trường mà hàng nhập khẩu có công nghệ cao, có tác dụng lớn đến đổi mới kỹ thuật - công nghệ của nước ta. Trong khi đó, mặc dù châu Á là thị trường gần, việc mở cửa đối với khu vực này cũng khá sớm và không có hàng rào kiểu hạn ngạch hay bán phá giá nhưng kỹ thuật - công nghệ ở khu vực này chưa phải công nghệ nguồn.
Thậm chí có nhiều trường hợp, hàng hóa, thiết bị không tiêu thụ được ở các thị trường khác lại mang sang tiêu thụ ở Việt Nam, do các tiêu chuẩn chất lượng chưa được quy định chặt chẽ.
Thứ tư, trong cơ cấu xuất khẩu của nước ta, thì các mặt hàng chủ lực như hàng dệt may, thủy sản, giày dép, nông sản… đều tăng rất chậm. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may chỉ tăng 0,1%, giày dép tăng 2,8%, thủy sản tăng 9,3%, còn xuất khẩu cà phê giảm 7,8%, chè giảm 19,6%…
Thứ năm, do giá nhập khẩu tăng cao, nên lượng nhập khẩu tăng không tương xứng với tốc độ tăng của tổng kim ngạch nhập khẩu. Riêng giá nhập khẩu xăng dầu, sắt thép, chất dẻo, phân bón, giấy, sợi dệt tăng trong 6 tháng đầu năm nay đã làm kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 1,1 tỷ USD.
Theo VOV