Căng thẳng nạn “bảo kê”, “cướp” khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng
(Dân trí) - “Không chỉ đe dọa lái xe trên Quốc lộ 5, tình trạng xe tranh giành khách trên Quốc lộ 10 còn “dữ dội” hơn. “Dân xã hội” thậm chí còn bắt xe khách dừng lại mua đồ, nếu không dừng thì đánh đập lái xe, lãnh đạo Sở GTVT cũng bị đe dọa hành hung…”.<br><a href="http://dantri.com.vn/event/xe-khach-dau-gau-long-hanh-tren-quoc-lo-5-2552.htm"><b> >> Xe khách đầu gấu lộng hành trên Quốc lộ 5</b></a>
Tình hình căng thẳng nói trên được Thượng tá Lê Hồng Thắng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP Hải Phòng - cho biết trong cuộc họp về tình trạng vận tải cạnh tranh không lành mạnh trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chiều 6/5.
“Một số cá nhân có tiền án được thuê đe dọa hành hung lái xe song đây không phải là hoạt động xã hội đen, các doanh nghiệp cạnh tranh có góp mặt của đối tượng xã hội. Tôi cho rằng đây chỉ là cạnh tranh kinh tế, có sự tham gia của đối tượng có tiền án.
Không chỉ đe dọa lái xe trên Quốc lộ 5 mà tình trạng xe tranh giành khách trên Quốc lộ 10 còn dữ dội hơn. “Dân xã hội” thậm chí còn bắt xe khách dừng lại mua đồ, nếu không dừng thì đánh đập lái xe, một đồng chí trưởng phòng của Sở GTVT đã bị một số đối tượng nghi có liên quan đến hoạt động vận tải trên tuyến nhắn tin đe dọa hành hung” - Thượng tá Lê Hồng Thắng cho biết.
Cũng theo Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP Hải Phòng - cơ quan này đã quay clip trên toàn bộ tuyến Quốc lộ 5 trong 2 tuần và phát hiện có 10 xe vi phạm. Sáng 8/5 tới đây, Công an Hải Phòng sẽ họp với các doanh nghiệp vận tải và thông báo xử lý.
Thừa nhận thực trạng hoạt động vận tải hành khách phức tạp trên tuyến Quốc lộ 5, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng - ông Nguyễn Đức Thọ - thông tin rằng một số lái xe đã bị gây thương tích, tuy nhiên không trực tiếp ngay khi đang lái xe trên tuyến mà là khi đang trên đường về nhà.
Trong khi đó, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C67), Bộ Công an - thông tin, tình trạng tranh giành khách thiếu lành mạnh, vi phạm dừng đỗ đón trả khách không chỉ ở Quốc lộ 5 mà nhiều tuyến quốc lộ khác trên toàn quốc.
“Riêng trên Quốc lộ 5 diễn ra từ nhiều năm nay. Từ năm 2013, chúng tôi kiểm tra ròng ra mấy tháng liền, cơ bản giải quyết được. Đến nay lại tái diễn. Tôi cho rằng để xảy ra tình trạng này là do quản lý về trật tự an toàn giao thông còn lỏng lẻo. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự không thể lúc nào cũng có mặt trên đường. Trong khi chúng ta lại chưa khai thác hết thiết bị giám sát hành trình. Chỉ cần kiểm soát chặt hoạt động vận tải qua thiết bị này, hàng tháng kiểm tra xử lý hành chính, thu phù hiệu… chắc chắn sẽ có hiệu quả” - đại diện C67 nhấn mạnh.
Quản lý lỏng lẻo, vấn nạn gia tăng!
Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ GTVT - nguyên nhân dẫn tới tình trạng tranh giành khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng là do số phương tiện nhiều nên nhiều xe chỉ đạt lượng khách dưới 50% số ghế, dẫn đến xung đột giữa các hãng vận tải. Bộ GTVT đã có công văn gửi TP Hải Phòng, TP Hà Nội đánh giá xem xét lại số lượng phương tiện, nhu cầu đi lại của người dân.
Lãnh đạo phòng Cảnh sát điều tra, Công an TPHải Phòng - cũng cho biết, do phương tiện vận tải có bước phát triển, doanh nghiệp thay đổi sang xe lớn nên số chỗ tăng, lượng hành khách chỉ đạt 41%/số ghế. Phương thức cạnh tranh của xe khách thiếu lành mạnh khi một số cửu vạn, bốc vác tại bến xe Tam Bạc trở thành chủ xe khách.
Sau khi nghe báo cáo tình hình nói trên, chủ trì cuộc họp này - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường truy vấn trách nhiệm của các đơn vị có liên quan. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định trách nhiệm trước hết thuộc về quản lý Nhà nước.
“Hơn hai chục cây số tuyến Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua Hải Phòng mà không bố trí điểm đón trả khách, không người dân nào lại quay vòng vài chục cây để đến bến xe được, phải đứng dọc đường bắt xe là chuyện khó tránh. Hay như chuyện xe xuất bến chạy rùa bò đón khách là do không hạn chế tốc độ tối thiểu, như vậy thì phạt doanh nghiệp sao được? Nên chăng cần quy định xe chỉ được ở trong thành phố bao nhiêu phút, tính toán thế nào cho hợp lý…” - Thứ trưởng dẫn chứng.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, xảy ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trên tuyến vận tải khách Hà Nội - Hải Phòng có trách nhiệm rất lớn của 2 Sở GTVT, đặc biệt là Sở GTVT Hải Phòng, các Sở GTVT chưa thật sự vào cuộc quyết liệt.
Giải pháp Thứ trưởng Trường đưa ra trong quản lý nhà nước là các cơ quan phải làm cho doanh nghiệp thấy trách nhiệm của mình đảm bảo trật tự an ninh. Nếu nhà xe nhắn tin đe dọa xe khác để cướp khách sẽ bị thu giấy phép, cắt hợp đồng. Với những lái xe không chấp hành quy định, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp danh tính và kiên quyết loại bỏ.
“Thanh tra Bộ Giao thông tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp vận tải đã bị công an xử phạt. Sau khi có kết luận sẽ phải điều chỉnh lại hoặc rút giấy phép kinh doanh để chấn chỉnh. Trong 1 tháng giải quyết dứt điểm nạn tranh giành khách” - Thứ trưởng Trường chỉ đạo.
Phía lực lượng chức năng Hải Phòng, Thứ trưởng Trường đề nghị cần kiên quyết xử lý tình trạng đe doạ, tấn công lái phụ xe, cần thiết chuyển sang xử lý hình sự. “Cảnh sát hình sự thừa sức biết điện thoại đó của ai, nhắn từ đâu, chủ thuê bao như thế nào để có giải pháp xử lý. Không thể nói là không tìm được. Chuyện này với công an rất đơn giản”- Thứ trưởng nói.
Chốt lại buổi làm việc, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh: “Quan trọng là mình có quyết tâm xử lý hay không. Nếu quyết tâm, tôi tin rằng sẽ làm dứt điểm trong thời gian ngắn”.
Châu Như Quỳnh