“Càng là người khuyết tật càng cần cố gắng vươn lên!”

(Dân trí) - Bị gù lưng bẩm sinh, sức khỏe yếu nhưng Nguyễn Thị Thanh Hiếu chưa bao giờ nản chí. Chị cặm cụi học nghề may rồi tìm được việc làm ổn định. Chị tâm sự: “Càng trở ngại người khuyết tật càng cần vươn lên, cố gắng hết mình để có một việc làm ổn định!”.

Nhìn dáng hình nhỏ bé và yếu ớt của Hiếu, ít ai nghĩ chị dám 1 mình rời quê hương Bình Thuận lặn lội vào Đồng Nai kiếm việc mưu sinh. Vậy mà nay chị đã có công việc ổn định ở công ty TNHH Watabe Wedding Việt Nam (KCN Amata). Chị còn dự định học thêm nghề trang điểm cô dâu và các khóa kỹ năng may để sau này mở cửa hàng kinh doanh riêng cho mình.

Nguyễn Thị Thanh Hiếu tại công ty (ảnh: nhiếp ảnh gia Nguyễn Á)
Nguyễn Thị Thanh Hiếu tại công ty (ảnh: nhiếp ảnh gia Nguyễn Á)

Hiếu chỉ là 1 trong 25 người khuyết tật (NKT) đại diện cho ý chí cố gắng vươn lên, tạo việc làm cho bản thân để tự lực cánh sinh được nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ghi lại bằng hình ảnh, giới thiệu đến công chúng tại buổi triển lãm ảnh ngoài trời “Sống và Làm” ở Đồng Nai vào ngày 17/4.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á được biết đến nhiều với những bộ ảnh đầy tâm huyết về NKT như “Họ đã sống như thế”, “Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam”… Mỗi bộ ảnh anh đều bỏ nhiều ngày đến hàng năm trời để thực hiện. Lần này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á mang đến những câu chuyện đầy cảm xúc được kể lại bằng hình ảnh của 25 người khuyết tật đang sống và làm việc tại tỉnh Đồng Nai.

NKT đến xem triển lãm ảnh “Sống và Làm”
NKT đến xem triển lãm ảnh “Sống và Làm”

Ngoài chị Thanh Hiếu, người xem không khỏi cảm phục khi nhìn hình ảnh vận động viên Phạm Văn Đảnh. Anh Đảnh vốn là tài xế, bị gãy xương chậu dẫn đến tật chân phải sau một tai nạn bất ngờ. Không còn đôi chân lành lặn để làm tài xế, anh vào làm công nhân siết dây giày tại công ty TNHH Chang Shin Việt Nam. Rồi mỗi ngày sau giờ làm, anh đến trung tâm thể hình để tập tạ và trở thành vận động viên cử tạ của tỉnh, giành nhiều huy chương cho tỉnh nhà.

Hay chị Phan Thị Chuyền, bị tật chân từ nhỏ, phải đi lại bằng gậy nhưng chị không chấp nhận sống bám vào cha mẹ. Ban đầu chị kiếm sống bằng nghề cạo lụa hạt điều thuê. Sau khi có được số vốn nhỏ, chị Chuyền nuôi thêm chim bồ câu để gầy đàn “làm ăn lớn”.

NKT đến xem triển lãm ảnh “Sống và Làm”
Bị tai nạn gãy xương chậu nhưng Phạm Văn Đảnh vẫn cố tập luyện để trở thành vận động viên (ảnh: nhiếp ảnh gia Nguyễn Á)

Anh Đoàn Văn Thành càng kiên trì hơn khi bị co gấp toàn thân nhưng không bao giờ chấp bỏ cuộc. Anh cũng tích góp vốn liếng bằng công việc cạo hạt điều thuê, rồi anh mua heo về nuôi, không may bị dịch bệnh nên thất bại nhiều lần. Không nản chí, anh cải tạo lại chuồng heo và bắt đầu nuôi bồ câu. Để có tiền mua thức ăn cho bồ câu, hàng ngày anh lặn lội từ sáng đến tận khuya đi bán vé số. Từ 20 con bồ câu ban đầu, hiện nay anh đã có đàn hơn 200 con.

Còn chị Bùi Thị Thanh Thủy bị mất cánh tay phải vào năm 17 tuổi vì tai nạn giao thông. Cú sốc đó khiến chị tuyệt vọng, nhưng nhờ tình thương của mẹ, chị đã đứng dậy và bước ra ngoài xã hội. Mất một cánh tay, chị phải tập làm mọi việc bằng cánh tay còn lại. Nhưng cuối cùng chị cũng xin được 1 công việc ở công ty TNHH Chang Shin Việt Nam và bám trụ suốt 8 năm nay.

Mất một cánh tay, Bùi Thị Thanh Thủy vẫn là lao động giỏi (ảnh: nhiếp ảnh gia Nguyễn Á)
Mất một cánh tay, Bùi Thị Thanh Thủy vẫn là lao động giỏi (ảnh: nhiếp ảnh gia Nguyễn Á)

Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: “Triển lãm này được thực hiện với mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng lao động khuyết tật. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề khuyết tật, khuyến khích xã hội tạo điều kiện cho NKT có nhiều cơ hội vươn lên, hòa nhập với cộng đồng”.

Theo bà Lưu Thị Ánh Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) thì việc làm không chỉ giúp NKT nâng cao đời sống vật chất mà còn giúp họ khẳng định giá trị bản thân thông qua lao động. Các doanh nghiệp chỉ cần những cải thiện nhỏ trong quy trình làm việc để NKT có thể thuận tiện lao động là đã có thể tuyển dụng NKT, một nguồn lao động chăm chỉ và gắn bó với công ty. Bà cho biết: “Tại DRD, chúng tôi có bộ phận tư vấn về việc cải thiện môi trường làm việc phù hợp với NKT. Nếu doanh nghiệp cần, chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối cho họ với lao động khuyết tật”.

Tùng Nguyên