Hà Tĩnh:
Cảng cá vừa nạo vét đã bị bồi lấp trở lại, ngư dân khóc ròng
(Dân trí) - Ngư dân thường xuyên ra vào Cảng Cửa Sót (Lộc Hà - Hà Tĩnh) đang khóc ròng vì luồng lạch vào cảng bị bồi lấp, tàu cá không thể cập bến, bị mắc cạn hoặc cập bến trong tình trạng hỏng hóc phải sửa chữa tốn kém, mất thời gian.
Bật khóc vì chi phí tăng cao
Sau nhiều ngày đánh bắt trên biển, tàu TH – 6331, công suất 380 CV của ngư dân Nguyễn Văn Hưng ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã quay trở về đất liền trong niềm phấn khởi trúng mẻ cá lớn. Thế nhưng khi về đến Cửa Sót và chỉ còn cách cảng cá Cửa Sót chưa đến 500m thì tàu bị mắc cạn. Toàn bộ hải sản trên tàu có nguy cơ bị hư hỏng nếu không cập cảng kịp thời.
Tình thế này buộc chủ tàu Nguyễn Văn Hưng phải sốt sắng gọi vào bờ nhờ người quen ở cảng thuê tàu nhỏ ra tăng bo hải sản vào bờ. Thuê thêm tàu, đồng nghĩa với ông Hưng phải bỏ thêm kinh phí khiến nguồn lợi nhuận bị giảm đi một phần.
“Đánh được mẻ cá lớn, chúng tôi nhanh chóng cho thuyền quay vào bờ để kịp tiêu thụ hàng. Tuy nhiên, vào đến gần cảng thì bị mắc cạn, chúng tôi phải thuê tàu nhỏ tăng bo hàng vào cảng để kịp thời tiêu thụ. Một số tàu lớn sau khi vào bờ cũng phải nằm chờ 8-10 tiếng đồng hồ khi thủy triều lên mới ra khơi được” – ngư dân Nguyễn Văn Hưng bày tỏ.
Cũng “méo mặt” như ông Hưng, nhưng không phải do tàu không thể cập cảng, mà với ông Phạm Minh Tình (một chủ tàu ở Thạch Kim) là do tàu bị mắc cạn gây hư hỏng nặng trên lạch nước đi vào cảng.
Một tàu cá bị mắc cạn trên đường vào Cảng Cửa Sót (ảnh do BQL Cảng Cửa Sót cung cấp).
Cụ thể, khi tàu của ông Tình trên đường về cảng đã bị mắc cạn ở lạch nước chỉ như con suối nhỏ xuyên qua cả bãi cát rộng lớn. Dù làm đủ cách nhưng tàu không thể di chuyển, không còn cách nào khác ông Tình đành phải đợi thủy triều dâng.
Khi đưa được tàu vào bờ thì chân vịt và đáy tàu bị hư hỏng, nước tràn vào.
“Đây không phải là lần đầu tàu của tôi bị hư hỏng do mắc cạn. Mỗi lần như thế phải gửi thiết bị đi các tỉnh khác để sửa, còn tàu thì phải cập bến để khắc phục rất mất thời gian, tốn kém”- ông Tình bức xúc nói.
Nhiều tàu cá đi vào Cảng Cửa Sót đã bị hư hỏng đáy...
và chân vịt do cạt phải cát, bùn phía dưới.
Ông Lê Tiến Hải, Giám đốc HTX Hải Hà, cơ sở sửa chữa tàu thuyền đóng ngay tại Cảng Cửa Sót cho biết, rất nhiều con tàu hư hỏng vào sửa chữa tại cơ sở của ông là do tàu thuyền ra vào cảng bị mắc cạn, gãy chân vịt, cong trục láp.
Sốt ruột vì chi tiền khủng, hiệu quả thấp
Giám đốc BQL Các cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn cho rằng, mức độ bồi lắng trong khu vực Cảng Cửa Sót thời gian gần đây diễn biến phức tạp, mức độ bồi lắng rất nhanh là nguyên nhân dẫn tới thực trạng tàu thuyền gặp khó khăn trong cập bến. Trong đó, kết quả thí nghiệm của cơ quan chuyên môn cho thấy, tốc độ bồi lắng ở cảng cá Cửa Sót bình quân 100.000 m3/năm.
Theo ông Sơn, năm 2017, trước tình trạng bùn cát bồi lấp luồng lạch Cửa Sót gây khó khăn cho hoạt động ra khơi và hậu cần nghề cá, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư dự án, chi 41 tỷ đồng nạo vét luồng lạch tại đây.
Dự án được triển khai năm 2017 và hoàn thành tháng 6/2018, với việc nạo hút gần 400 ngàn m3 cát với chiều dài 3km, chiều rộng từ 30 đến 80m và độ sâu luồng là 3m. Mặc dù vậy mới chỉ sau hơn 1 năm, luồng lạch Cửa Sót đã nhanh chóng bị bùn cát bồi lấp trở lại.
Chỉ sau hơn 1 năm được đầu tư 41 tỷ đồng nạo vét, luồng lạch vào Cảng Cửa Sót đã nhanh chóng bị bùn cát bồi lấp trở lại.
“Mặc dù đã được nạo vét nhưng do khu vực này có tốc độ bồi lắng rất lớn nên chỉ trong thời gian ngắn là trở lại như cũ. Tình trạng tàu thuyền mắc cạn khi ra, vào cảng cá Cửa Sót tiếp tục tái diễn, không chỉ tăng chi phí, thời gian, gây bức xúc cho ngư dân mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động hậu cần trên cảng và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão”- ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng giải pháp Nhà nước chi tiền để nạo vét như đã triển khai vừa không hiệu quả, vừa tốn kém.
Giải pháp mà ông Sơn cho sẽ khả dĩ hơn trong việc khắc phục tình trạng bồi lắng nhanh ở Cảng Cửa Sót là cho phép đấu thầu việc nạo vét. Đơn vị trúng thầu sẽ bù chi phí bằng cách bán một phần cát từ quá trình nạo vét luồng lạch tạo ra.
“Tôi cho rằng giải pháp này là khả dĩ nhất, phần đỡ tốn kém tiền Nhà nước, phần còn lại là việc khắc phục bồi lắng sẽ được triển khai liên tục. Làm được như thế thì việc tàu thuyền ra vào Cửa Sót sẽ thuận lợi hơn, chứ không phải gặp khó như hiện nay”- ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, giải pháp này đã được ông nêu ra, nhưng đến nay vẫn chưa được tỉnh chấp thuận.
Văn Dũng