Cản trở hoạt động tố tụng bị phạt tới 80 triệu đồng
(Dân trí) - Dự thảo pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định, cá nhân bị phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng, với tổ chức là 80 triệu đồng.
Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Vì sao phải xử phạt?
Trong phiên họp, Tòa án Nhân dân tối cao trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (giải quyết các vụ án, vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền - PV).
Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao - cho biết, việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng hiện cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.
Theo ông Tuệ, pháp luật Việt Nam hiện chưa có văn bản quy định hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật. Các hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Tờ trình Pháp lệnh này quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Mức phạt nêu rõ dự thảo pháp lệnh quy định với tổ chức, cá nhân cụ thể. Theo đó, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng, với tổ chức là 80 triệu đồng.
Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại/người làm chứng tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại/người làm chứng khai báo gian dối sẽ bị phạt tiền từ 7-15 triệu đồng. Nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối thì mức phạt tiền sẽ từ 30-40 triệu đồng.
Trong dự thảo, người tham gia tố tụng đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt tiền từ 7-15 triệu đồng. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện hành vi trên, mức xử phạt từ 15-30 triệu đồng.
Lĩnh vực tư pháp phạt nặng hơn hành vi thông thường
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao - giải trình về lý do quy định xử phạt trong lĩnh vực tư pháp nặng hơn so với hành vi thông thường trong dự thảo pháp lệnh.
"Quy định đánh người gây thương tích bên ngoài là bị xử lý. Nhưng nếu công an đánh người là hành vi quá nặng và buộc phải xử nặng. Hay hành vi làm hồ sơ giấy tờ giả trong trường hợp bình thường xử lý nhẹ hơn nhưng nếu cơ quan tố tụng mà làm sai hồ sơ giấy tờ sẽ liên quan đến công quyền, sinh mạng con người, vì thế các vi phạm phải xử nặng hơn nhiều so với thông thường, cả về hành chính lẫn hình sự" - ông Bình nói và cho biết các quy định trong dự thảo đều theo quy định trong khung hình phạt với 3 mức, trong đó xử phạt theo khung tối đa.
Phát biểu về dự án pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thực tiễn công tác thi hành án những năm gần đây có nhiều tiến bộ nhưng cũng còn không ít vướng mắc, khó khăn.
Liên quan đến vấn đề phạt cao hơn đối với một số hành vi cản trở tố tụng hình sự được quy định trong dự thảo Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Đối với xử phạt hành chính có áp dụng với đối tượng không phải công chức, viên chức không? Công chức, viên chức áp dụng hình thức xử phạt theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo làm rõ: Dự thảo pháp lệnh nêu hành vi có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều 62 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính đã quy định rõ "chuyển ngay" là như thế nào hay chưa? Nếu không "chuyển ngay" thì có cấu thành nội dung vi phạm hành chính hay không? Hiện tượng không xử lý, không hồi âm thì luật pháp hiện nay quy định thế nào?
Kết thúc phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Pháp lệnh và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cùng các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong hai ngày tới để hoàn chỉnh, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua và ban hành vào sáng 18/8 tới.