1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cần thuyết minh rõ hơn địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Thế Kha

(Dân trí) - Tăng phân cấp, phân quyền cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tạo làn sóng mới thu hút đầu tư nhưng cũng phải tránh tình trạng "vừa đá bóng thổi còi", "tranh công đổ tội" khi xảy ra kiện tụng.

Tại Hội thảo "Luật Dầu khí (sửa đổi): Chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)" diễn ra hôm qua (1/10), TS. Nguyễn Văn Tuân - Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam - cho rằng việc sửa đổi luật phải làm sao phải loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.

"Khi sửa đổi phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi. Phải nhận diện được đặc thù của ngành dầu khí để đưa vào luật hóa. Tôi cho rằng vai trò của PVN chưa được rõ, cần thuyết minh rõ hơn địa vị pháp lý của tập đoàn trong dự thảo"- ông Tuân nêu quan điểm.

Cần thuyết minh rõ hơn địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - 1

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh điều hành hội thảo (Ảnh: T.K).

Theo dự thảo luật, PVN có quyền tổ chức, điều hành và triển khai điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ đất liền, hải đảo và vùng biển của Việt Nam. Ký kết hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân để tiến hành các hoạt động dầu khí ở Việt Nam theo quy định của luật và các quy định có liên quan.

PVN cũng có quyền quản lý, giám sát hợp đồng dầu khí, các hoạt động dầu khí; phê duyệt chương trình công tác và ngân sách; kiểm toán chi phí thực hiện hoạt động dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí; phê duyệt quyết toán chi phí theo hợp đồng dầu khí.

Dự thảo luật cũng đề xuất PVN có quyền tiếp nhận toàn bộ quyền lợi tham gia của các nhà thầu nước ngoài qyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ…

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cho biết chủ đề của hội thảo đã được bàn thảo nhiều lần. Trong quá trình triển khai thực tế, phía đầu tư nước ngoài luôn nhận định rằng PVN chỉ đứng ra ký kết hợp đồng, nhưng mọi tranh chấp thì họ lại "kéo" Chính phủ Việt Nam vào cuộc. "Chính phủ không tách ra được khỏi trách nhiệm của các hợp đồng dầu khí khí"- ông Thập nêu thực tế.

PVN là doanh nghiệp nhà nước 100%, làm được nhiều thì Chính phủ giao nhiều, làm được ít thì được giao ít. Vì thế, ông Thập cho rằng về mặt pháp lý, nếu Chính phủ không muốn liên quan nhiều đến các tranh chấp, kiện tụng thì dự thảo luật cần phải cân nhắc thêm nhiều quy định về phân cấp, phân quyền cho PVN.

Ông kỳ vọng những vướng mắc, tồn tại trong dự thảo luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý và bổ sung nhiều quy định tiến bộ nhằm đáp ứng kỳ vọng của của Đảng, Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bình luận, dự thảo luật phải cố gắng phân cấp thêm cho PVN để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Hiện nay vai trò của PVN vẫn còn yếu, trong khi các đơn vị thuộc PVN phát triển hơi chậm dù thuộc ngành mũi nhọn.

"Từ luật này có thể mở rộng phát triển thêm các điều luật khác hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí để tạo điều kiện phát triển lớn mạnh"- ông Vy nhìn nhận.

Cần thuyết minh rõ hơn địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - 2

Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở Hà Nội (Ảnh: VNN).

TS Nguyễn Minh Phong (chuyên gia kinh tế) ủng hộ dự thảo mới và đề nghị quán triệt việc tăng phân cấp cho PVN và tạo làn sóng mới thu hút đầu tư. Tuy nhiên cần chú ý một số vấn đề để tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", tình trạng "tranh công đổ tội" khi xảy ra các vấn đề liên quan đến kiện tụng. Đồng thời bổ sung thêm quy định về kiện toàn tổ chức bộ máy PVN, tăng thêm vai trò Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng.

Bày tỏ lo ngại việc giao cho PVN "phê duyệt đủ thứ", giữ cả vai trò kiểm toán, quyết toán, tức làm từ "A đến Z", TS. Nguyễn Minh Phong đề nghị cơ quan soạn thảo cần tính toán việc tách kiểm toán ra khỏi chức năng của PVN, cần đưa ra kiểm toán Nhà nước độc lập trước khi trình Chính phủ.

Chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khẳng định dự thảo luật cần làm rõ hơn vai trò kiểm toán của PVN nhằm đảm bảo được việc thực hiện kiểm toán dựa trên sự tham gia của các cơ quan kiểm toán độc lập, chuyên nghiệp.

Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đề xuất quy định, Hội đồng thành viên PVN chịu trách nhiệm phê duyệt việc sử dụng vốn của PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN khi góp vốn tham gia các hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong các hợp đồng dầu khí, thực hiện các giai đoạn của hoạt động dầu khí, dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí không phụ thuộc vào mức vốn góp, sau khi cấp thẩm quyền phê duyệt nội dung liên quan đến hợp đồng dầu khí, hoạt động dầu khí theo quy định của luật.

Đồng thời, Hội đồng thành viên PVN chịu trách nhiệm phê duyệt kết thúc dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công và chi phí dự án tìm kiếm thăm dò không thành công.

Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu về các nội dung đã phê duyệt nêu trên để theo dõi, kiểm tra, giám sát theo quy định pháp luật.