1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần “nhạc trưởng” trong liên kết Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ

(Dân trí) - Không liên kết, sẽ không phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, địa phương, thậm chí còn triệt tiêu lợi thế của nhau. Liên kết không chỉ phát huy lợi thế của từng địa phương mà còn là lợi thế của quốc gia.

Ngày 14/9, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị giao ban 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đồng chủ trì. Tham dự hội nghị còn có sự hiện diện của lãnh đạo các Bộ, ngành, viện và chủ tịch UBND một số tỉnh…

Liên kết vùng, xu thế tất yếu để phát triển

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, liên kết vùng là vấn đề có tính thời sự nóng hổi hiện nay, là một trong những yêu cầu của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư. Vấn đề này được đặt ra không chỉ đối với các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ mà được nhiều vùng và địa phương khác quan tâm như Duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Việc liên kết vùng sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí, dàn trải và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhận thức được việc liên kết và hợp tác cùng phát triển là xu thế tất yếu nên nhiều năm qua, Lâm Đồng đã ký kết hợp tác với nhiều tỉnh thành trong cả nước như TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai… Việc liên kết này đã mang đến những kết quả thiết thực và trở thành điều kiện, động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cần có “nhạc trưởng” trong liên kết vùng để phát triển kinh tế, xã hội
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: "Liên kết vùng không chỉ phát huy lợi thế của từng địa phương mà còn là lợi thế của quốc gia"

Ông Tiến dẫn chứng việc liên kết rất thành công giữa Lâm Đồng và TPHCM qua những con số cụ thể. Đến nay có 188 dự án của các nhà đầu tư đến từ TPHCM được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 55.790 tỉ đồng, chiếm gần 27% số dự án và 55% vốn đăng ký của các nhà đầu tư đến Lâm Đồng trong 10 năm qua. Nhiều dự án thành công và trở thành thương hiệu có uy tín tại Lâm Đồng như: khu du lịch Madagui, khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt, khu du lịch Đồi Mộng Mơ, làng du lịch Cù Lần… Trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, số khách từ TPHCM đến Lâm Đồng hàng năm trên 60%. Hàng năm, TPHCM là thị trường tiêu thụ khoảng 450-500 ngàn tấn rau, 600 triệu cành hoa, chiếm khoảng 30% sản lượng rau, trên 40% sản lượng hoa của tỉnh Lâm Đồng.

Không chỉ liên kết trong đầu tư, du lịch, giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và TPHCM còn có nhiều hợp tác trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao…

TS Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Kon Tum là một trong 13 tỉnh nằm trong vùng Tam giác phát triển CLV (Campuchia - Lào - Việt Nam). Gần 10 năm qua, tam giác CLV tăng trưởng kinh tế 10%/năm, kết cấu hạ tầng không ngừng được cải thiện. Công tác bảo vệ an ninh biên giới được phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả; công tác phân giới, cắm mốc tiếp tục đạt những kết quả to lớn, an ninh, trật tự xã hội ổn định.

Cần “nhạc trưởng” cho liên kết vùng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, nếu không có sự liên kết để nâng cao hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu thì chúng ta không thể cạnh tranh, thậm chí còn thua ngay trên sân nhà. Không liên kết, sẽ không phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, địa phương, thậm chí còn triệt tiêu lợi thế của nhau. Liên kết không chỉ phát huy lợi thế của từng địa phương mà còn là lợi thế của quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong liên kết vùng, có loại liên kết bắt buộc giữa các tỉnh, các vùng với nhau; đồng thời cũng có liên kết tự nguyện xuất phát từ lợi ích, thế mạnh của mỗi địa phương. Tuy nhiên, các nội dung liên kết, triển khai thực hiện cần có vai trò của Nhà nước, Chính phủ, Trung ương, các bộ ngành và cả hệ thống vào cuộc.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, thách thức cơ bản ngăn cản sự phát triển là thiếu sự liên kết, gắn kết vùng, liên vùng bên cạnh sự yếu kém về hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông chưa đồng bộ và xuống cấp đã hạn chế khả năng kết nối khu vực với các trung tâm kinh tế lớn, nguồn nhân lực trong khu vực còn hạn chế, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao…

Cần có “nhạc trưởng” trong liên kết vùng để phát triển kinh tế, xã hội
Các đại biểu nhận định liên kết vùng là xu thế tất yếu nhưng để đạt hiệu quả, cần có "nhạc trưởng" tạo sự liên kết

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Xuân Tiến cũng thừa nhận rằng, dù đạt được những kết quả khả quan trong liên kết vùng nhưng việc liên kết sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu có sự triển khai đồng bộ của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và người sản xuất. Ngoài ra, cách thức tổ chức thực hiện của một số sở ngành chưa thật sự năng động.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thì cho rằng, thực trạng liên kết vùng còn manh mún, thiếu hợp tác vì mỗi tỉnh do trách nhiệm, lợi ích của mình nên còn là “một vương quốc” riêng.

Ông Tú đề nghị cần định hướng phát triển 3 vùng chuyển từ “ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng để phát triển kinh tế, xã hội” sang “thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội để làm nền tảng cho ổn định chính trị và an ninh quốc phòng”. Bên cạnh đó, ông Tú đề nghị cần tăng cường vai trò của các ban chỉ đạo trong phát triển kinh tế xã hội và liên kết vùng; lựa chọn một số ngành hàng, lĩnh vực chủ lực để làm thí điểm như Đồng bằng sông Cửu Long thì chọn câu lúa, Tây Nguyên chọn cà phê…

“Liên kết vùng là cần thiết và bắt buộc. Vì vậy, cần phải có nhạc trưởng để tạo liên kết. Ban chỉ đạo có vai trò trong đánh giá chất lượng và năng lực của lãnh đạo địa phương. Tăng cường nhiệm vụ mang tính tổ chức thực hiện chứ không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất. Tăng cường quyền hạn của các ban chỉ đạo, tăng các quyền chủ động thực hiện chứ không chỉ là được tham dự, được tham mưu, được cung cấp thông tin…”, ông Tú nói.

Công Quang