1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cần nghiên cứu toàn diện việc lấy đất rừng làm thủy điện

(Dân trí) - Về chủ trương lấy đất rừng ở khu vực Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên xây dựng 2 công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A hiện có khá nhiều ý kiến phản đối từ các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.

Ngày 20/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT)  có báo cáo do Thứ trưởng Hứa Đức Nhị ký duyệt gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch VQG Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.

Cần nghiên cứu toàn diện việc lấy đất rừng làm thủy điện - 1
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cơ bản đồng ý với việc điều chỉnh này

Theo báo cáo này, các bộ, ngành và địa phương liên quan (Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước) đều đồng tình lập dự án xây dựng hai công trình thủy điện trên. Các đơn vị liên quan cũng tiến hành kiểm kê tài nguyên rừng bị ảnh hưởng khi triển khai dự án.

Theo các báo cáo kiểm kê trên, công trình thủy điện Đồng Nai 6 (nằm trên địa phận Lâm Đồng và Đắk Nông) sẽ chiếm 197,6 ha đất rừng; trong đó có 86,43 ha thuộc VQG Cát Tiên, còn lại là rừng phòng hộ do Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (Đắk Nông) và Công ty TNHH Lâm nghiệp Lộc Bắc quản lý.

Còn công trình thủy điện Đồng Nai 6A (nằm trên địa phận Lâm Đồng và Bình Phước) chiếm 174,6 ha đất rừng; trong đó có 50,55 ha thuộc VQG Cát Tiên, còn lại là rừng phòng hộ do Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (Đắk Nông) và Công ty TNHH cao su Phú Riềng quản lý.

Như vậy, hai công trình thủy điện này sẽ chiếm dụng 372,2 ha đất rừng, trong đó có 136,98 ha thuộc VQG Cát Tiên, nơi bảo tồn hàng trăm loài động thực vật quý hiếm có tên trên sách đỏ; đặc biệt đây là 1 trong 2 địa điểm hiếm hoi trên thế giới còn có quần thể tê giác một sừng sinh sống.

Cần nghiên cứu toàn diện việc lấy đất rừng làm thủy điện - 2
Một quần thể bò tót hiếm hoi sinh sống tại VQG Cát Tiên (ảnh: Tăng A Pẩu, nguồn: Hiệp hội VQG và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam)

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đánh giá: “Việc xây dựng hai công trình này tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong VQG Cát Tiên và Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Cát Tiên nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn loài tê giác và sinh cảnh Bầu Sấu của VQG Cát Tiên (cách khu vực hoạt động của loài tê giác 7km đến 11km, các khu vực Bầu Sấu 25km”.

Từ đó, Bộ cho rằng: “Các mục tiên cơ bản của vườn này vẫn được đảm bảo do diện tích chuyển mục đích không lớn và kéo dài theo dải hẹp dọc sông Đồng Nai là ranh giới ngoài của vườn”.

Về đánh giá trên của Bộ NN&PTNT, ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM, nguyên đại biểu HĐND TP cho rằng: “Đó là những đánh giá sơ sài, hời hợt. Không thể nói là diện tích chiếm dụng của dự án rất nhỏ bé so với diện tích VQG nên ảnh hưởng không lớn đến hệ sinh thái ở đây, nhận định đó thiếu khoa học và không hiểu chuyên môn”.

Ông Khoa đề nghị phải có một tổ chức độc lập, không phải của chủ đầu tư hay của VQG Cát Tiên, nghiên cứu kỹ các tác động của dự án đến môi trường, hệ sinh thái của khu vực này. Bởi khi triển khai dự án, không chỉ có diện tích rừng bị chiếm dụng là chịu ảnh hưởng mà các hoạt động tận thu gỗ, vận chuyển vật liệu, xây dựng… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh.

Cần nghiên cứu toàn diện việc lấy đất rừng làm thủy điện - 3
VQG Cát Tiên bị bao quanh bởi hàng loạt dự án thủy điện (nguồn: VQG Cát Tiên)

Về vấn đề xây dựng các công trình thủy điện trên đất VQG Cát Tiên và khu vực xung quanh, ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên từng nhiều lần phản đối tại các hội thảo khoa học cũng như có văn bản kiến nghị xem xét lại gửi các đơn vị liên quan.

Theo ông, các dự án này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn hệ sinh thái phong phú và đa dạng của VQG Cát Tiên. Bởi nếu tính cả hai dự án đang tranh cãi này thì VQG Cát Tiên sẽ bị vây quanh bởi 8 dự án thủy điện. Tuy nhiên, ngày 29/6, khi Dân trí liên lạc với ông để hỏi ý kiến về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A thì số điện thoại di động của ông không liên lạc được, số điện thoại ở cơ quan thì không ai bắt máy.

Còn ông Đặng Văn Khoa thì thẳng thắn phát biểu: “Với tư cách là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường, tôi hoàn toàn phản đối dự án này. Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện hơn các tác động của dự án đối với môi trường sinh thái ở đây để có quyết định đúng đắn. Không chỉ riêng hai dự án này mà các dự án khác đã, đang triển khai xây dựng cũng cần được đánh giá lại”.

Ông Khoa hài hước: “Nếu ai đó cho rằng dự án cách khu quần cư của loài tê giác vài cây số nên không ảnh hưởng đến chúng thì hãy tự đặt mình vào vị trí của loài này mà xem xét. Nếu ai đó đập phá, xây dựng rầm rộ sát nhà anh thì anh có bị ảnh hưởng không?”.

VQG Cát Tiên có diện tích 71.350ha, trải dài trên 4 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắc Nông. Thực vật có 38 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam 2007 và 22 loài đặc hữu bản địa. Động vật, thú có 43 loài có tên trong sách đỏ IUCN 2008 và sách đỏ Việt Nam 2007. Chim có 31 loài có tên trong sách đỏ IUCN 2008 và sách đỏ Việt Nam 2007. Bò sát có 23 loài có tên trong sách đỏ IUCN 2008 và sách đỏ Việt Nam 2007. Cá có 9 loài có tên trong sách đỏ IUCN 2008 và sách đỏ Việt Nam 2007.

Với sự đa dạng sinh học, tháng 8/2005, VQG Cát Tiên đã được tổ chức UNESCO thế giới công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. VQG Cát Tiên đang đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm