1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cần một chiến lược bài bản, có tầm nhìn cho ngành chăn nuôi Việt Nam

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Ngày 15/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc về kết quả triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 và dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các địa phương có ngành chăn nuôi phát triển, các viện, trường, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi.

Cần một chiến lược bài bản, có tầm nhìn cho ngành chăn nuôi Việt Nam - 1

Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tổng hợp của Bộ NN&PTNT cho thấy, chăn nuôi là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ ở giác độ phát triển kinh tế, an ninh lương thực, mà còn là công ăn việc làm, sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân.

Giai đoạn 2008-2020, sản lượng thịt các loại đã tăng hơn 1,6 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,8 triệu tấn), trứng tăng gần 3 lần (từ gần 5,0 tỷ quả lên 14,5 tỷ quả), sữa tươi tăng 4,1 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 1.100 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).

Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu với giá trị gần 1 tỷ USD, như lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa... bước đầu khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Trong đó điển hình là thịt gà đã xuất sang được Nhật Bản, sữa xuất đến trên 43 nước, có cả Mỹ, châu Âu, đặc biệt là đã xuất được chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là những dấu ấn và triển vọng rất tích cực của ngành chăn nuôi trong thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, ngành chăn nuôi đang còn bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập. Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số. Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ trọng thấp; nhiều vật tư chăn nuôi, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất chăn nuôi trong nước…

Trước yêu cầu tình hình mới, Bộ NN&PTNT được giao chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040.

Cần một chiến lược bài bản, có tầm nhìn cho ngành chăn nuôi Việt Nam - 2

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Còn phát triển tự phát

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình với nhiều ý kiến thảo luận về vai trò của ngành chăn nuôi Việt Nam và những kết quả quan trọng, tích cực trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ ở giác độ phát triển kinh tế, an ninh lương thực mà còn là công ăn việc làm, sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân.

"Vấn đề về quy hoạch, kế hoạch chưa được đặt đúng tầm quan trọng, mà còn có tình trạng phát triển tự phát, theo phong trào, chạy theo thị trường, dẫn đến tình trạng dư thừa hoặc thiếu trong chăn nuôi, lệch pha cung cầu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời dẫn chứng, như năm 2017, do quá dư thừa nguồn cung, giá lợn giảm xuống mức thấp kỷ lục, buộc Chính phủ, Bộ NN&PTNT phải thực hiện cuộc “giải cứu lợn”. Chỉ 2 năm sau, cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, giá lợn lên cao kỷ lục.

Theo Phó Thủ tướng, những khó khăn, thách thức mà chăn nuôi Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới là rất lớn. Song nếu xét về tổng thể thì thời cơ và thuận lợi cho sự phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới vẫn là cơ bản.

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi của thị trường trong nước và khu vực tiếp tục tăng cao do sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế. Năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang được nâng cao đáng kể, một mặt giúp tăng năng suất, hạ giá thành, một mặt tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới cũng là thời cơ để chăn nuôi Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại của các nước có nền chăn nuôi tiên tiến.

Coi các doanh nghiệp lớn là đầu tàu ‘kéo’ ngành chăn nuôi

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 một cách khoa học, bài bản.

Về thời kỳ xây dựng chiến lược, Bộ NN&PTNT đề nghị chiến lược giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2040. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị nên xây dựng chiến lược giai đoạn 2021-2030, có tầm nhìn đến năm 2045, 2050 hoặc dài hơn.

Về quan điểm, nội dung của chiến lược, Phó Thủ tướng cho rằng, phát triển chăn nuôi phải gắn nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, tránh "lệch pha" cung cầu. "Đây là vấn đề rất khó, nên phải vừa đánh giá, dự báo, vừa cập nhật, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, theo đúng diễn biến; tránh đầu tư theo phong trào, thiếu chiến lược, thiếu kế hoạch", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi phải đảm bảo năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, nên phải theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bên cạnh đó cũng coi trọng chăn nuôi truyền thống, để có những sản phẩm đặc thù của Việt Nam, gắn với du lịch.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp, coi đây là “đầu tàu”, là động lực chính để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi, tạo các chuỗi liên kết.