1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cần làm rõ trách nhiệm vụ bán 30ha đất công giá “bèo” ở TPHCM

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho rằng phải xem xét trách nhiệm của những cá nhân liên quan trong vụ việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng hơn 30ha tại Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) với giá bèo (1,29 triệu đồng/m2), vừa bị Thành uỷ TPHCM yêu cầu huỷ hợp đồng.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 19/4, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - đánh giá việc Thành uỷ TPHCM yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) là đúng, được dư luận đồng tình.

Theo ông Hậu, Luật Đấu thầu và các quy định về quản lý tài sản công, quyền sử dụng đất, xử lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước đều rất rõ.

“Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã nhận thấy việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng hơn 30ha tại khu Phước Kiển không đúng theo Quyết định số 1087/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH một thành viên thuộc Đảng bộ Thành phố. Như vậy có thể thấy trong thực thi quy định, cán bộ công chức đã làm không đúng nên bây giờ phải xử lý hậu quả cho đúng. Ai làm sai phải bị xem xét, xử lý trách nhiệm cả về mặt hành chính và thậm chí cả hình sự”- luật sư Hậu nhận định.

Bên cạnh việc định giá lại tài sản của khu đất trên 30ha nói trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần phải làm rõ tại sao diện tích đất lớn như vậy có thể dễ dàng bán cho doanh nghiệp tư nhân với giá “bèo” như vậy?

Không đồng ý việc bán chỉ định đối với dự án này nên Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng​.
Không đồng ý việc bán chỉ định đối với dự án này nên Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng​.

Trao đổi với báo chí, luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng các bên đã ký kết hợp đồng kinh tế là hai pháp nhân độc lập, nếu phía công ty nhà nước (Công ty Tân Thuận) đơn phương huỷ bỏ hợp đồng thì Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai có thể khởi kiện ra toà đòi bồi thường.

Tuy nhiên nếu hợp đồng làm trái với điều cấm của luật thì có thể bị tuyên vô hiệu. Hoặc xuất hiện yếu tố hình sự (tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...) thì song song với xử lý về mặt hình sự, hợp đồng kinh tế giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng có thể bị huỷ bỏ.

“Thực ra quản lý yếu kém để thất thoát tài sản nhà nước, mà nhiều nhất là đất đai đã diễn ra từ lâu, bắt nguồn từ cơ chế thiếu thống nhất của doanh nghiệp nhà nước. Không khó để thấy có khuất tất trong vụ việc chuyển nhượng này nên cần phải làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu”- luật sư Đức nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, sau vụ việc Vũ “nhôm” lũng đoạn đất đai ở Đà Nẵng thì dư luận cả nước đang rất quan tâm tới việc Thành uỷ TPHCM sẽ xử lý vụ việc này như thế nào. Chính vì thế phải xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của những người đứng đầu liên quan trong việc bán tài sản của nhà nước với giá "bèo", mà trước hết là người đứng đầu Công ty Tân Thuận.

Như Dân trí đã phản ánh, tối qua (18/4), Văn phòng Thành ủy TPHCM phát đi thông tin liên quan đến việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 30ha, với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Nhận thấy việc chuyển nhượng này vi phạm Quy chế quản lý tài sản công, Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng.

Qua thảo luận, Ban Thường vụ Thành ủy nhận thấy việc ký kết hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31/3/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH một thành viên thuộc Đảng bộ Thành phố.

Trước vụ việc nghiêm trọng này, Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, phần đất công sản “siêu lớn” này có giá thị trường hơn 2.400 tỷ đồng nhưng lại được Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai (công ty tư nhân) theo Hợp đồng Chuyển nhượng số 203/HĐKT/2017 ký ngày 5/6/2017 với giá ở mức 1.290.000 đồng/m2. Sau thương vụ này, Công ty Tân Thuận chỉ thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Sự việc hiện đang thu hút sự chú ý, quan tâm rất lớn của dư luận cả nước.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm