1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Cần hơn 7.000 tỷ đồng cho một dự án đã “treo” suốt 10 năm

(Dân trí) - Dự án Cầu đường Bình Triệu 2 được thực hiện cách đây 10 năm nhưng phải ngừng giữa chừng vì chủ đầu tư không đủ năng lực. Nay để hoàn tất dự án này, TPHCM cần hơn 7.000 tỷ đồng.

Cần hơn 7.000 tỷ đồng cho một dự án đã “treo” suốt 10 năm - 1
Dự án kéo dài hơn 10 năm, đến nay tổng vốn đầu tư tăng đến hơn 7.000 tỷ đồng

Tuyến QL13 - cầu Bình Triệu - Đinh Bộ Lĩnh là 1 trong 2 cửa ngõ thông thương quan trọng giữa TPHCM với các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Tây Nguyên. Từ những năm cuối thế kỷ 20, cửa ngõ này đã trở nên quá tải vì lưu lượng xe tăng quá nhanh. Do vậy, TPHCM quyết định thực hiện dự án Cầu đường Bình Triệu 2 nhằm mở rộng cửa ngõ.

Dự án được giao cho Tổng công ty xây dựng công trình 5 (Cienco5) đầu tư theo hình thức BOT và khởi công vào năm 2000. Sau khi hoàn thành 1 số hạng mục là xây mới cầu Bình Triệu 2 (song song cầu Bình Triệu cũ), mở rộng các tuyến đường quanh bến xe Miền Đông, Cienco5 không thể tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại vì vốn đầu tư tăng cao, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Mãi đến năm 2004, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án. Năm 2008, dự án được giao cho nhà đầu tư mới là Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) và khởi động trở lại với 5 tiểu dự án thành phần (từ 1-5), hai tiểu dự án giải phóng mặt bằng (6&7) do UBND quận Thủ Đức và Bình Thạnh thực hiện.

Tuy nhiên, trừ tiểu dự án 2 do Cienco5 hoàn thành từ trước, đến nay chỉ mới có thêm tiểu dự án 3 (sửa chữa cầu Bình Triệu cũ) là được CII hoàn tất. Còn 3 tiểu dự án xây lắp và 2 tiểu dự án GPMB vẫn chưa động tĩnh.

Cụ thể, tại dự án GPMB 6&7, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa được phê duyệt, nguồn vốn thực hiện chưa được bố trí nên chưa thể thực hiện được. Hai tiểu dự án này là GPMB để thực hiện các tiểu dự án 1, 4, 5. Do chưa GPMB nên các tiểu dự án 1, 4, 5 cũng không thể thực hiện.

Dự án kéo dài mãi đến cuối năm 2010 vẫn không khởi động được. Đến nay, Sở Giao thông Vận tải TPHCM tiếp tục kiến nghị điều chỉnh dự án một lần nữa do phát sinh nhiều tình hình mới.

Cụ thể, tại tiểu dự án 1 (mở rộng QL13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu lên 53m), Sở GTVT đề nghị mở rộng đoạn ngã tư Bình Lợi - cầu Ông Dầu từ 53m theo quy hoạch cũ lên thành 60m. Lý do là trên đoạn này, tuyến Metro 3b theo quy hoạch sẽ chuyển từ đi ngầm sang đi trên cao, cần diện tích để xây dựng.

Để GPMB diện tích tăng thêm này, tiểu dự án 6 (GPMB thực hiện tiểu dự án 1) phải tăng vốn thêm 100 tỷ đồng (từ 3.673 tỷ đồng lên 3.773 tỷ đồng).

Tại tiểu dự án 4 (xây dựng nút giao ngã 5 đài liệt sĩ), Sở GTVT đề xuất 3 phương án khác nhau, mỗi phương án đều phải GPMB thêm từ 9.000m2 - 12.600m2. Để GPMB diện tích tăng thêm này, tiểu dự án 7 (GPMB thực hiện tiểu dự án 4&5) phải tăng vốn thêm từ 402 - 570 tỷ đồng tùy theo phương án thực hiện.

Như vậy, theo kiến nghị điều chỉnh này thì vốn thực hiện dự án Cầu đường Bình Triệu 2 tăng lên đến 7.035 tỷ đồng (theo phương án thấp nhất) hoặc 7.504 tỷ đồng (theo phương án cao nhất).

Theo quy định, dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng. Do vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TP báo cáo Thủ tướng, kiến nghị cho phép điều chỉnh quy mô dự án và phân dự án thành các tiểu dự án độc lập (vốn dưới 1.500 tỷ đồng) để TP có thẩm quyền phê duyệt, tạo điều kiện hoàn thành dự án nhanh hơn.

Tùng Nguyên