1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần hàng trăm nghìn tỷ đồng để xử lý chất thải công nghiệp

(Dân trí) - Trong hơn một thập kỷ qua, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, khai thác tài nguyên… ở Việt Nam với tốc độ chóng mặt dẫn tới chất lượng môi trường sống ngày càng xấu đi. Thậm chí, theo dự báo đến năm 2020, ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 4-5 lần.

Theo nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công nghiệp về nhu cầu bảo vệ môi trường tại 18 ngành và lĩnh vực kinh tế cho thấy, các ngành càng có ảnh hưởng lớn tới môi trường trong quá trình sản xuất thì nhu cầu bảo vệ càng đòi hỏi cấp thiết.

Trong đó, ngành có tác động lớn đến môi trường nước phải kể đến là Thuỷ sản, Giấy, Dệt may, Rượu - bia - nước giải khát… Ngành có nhiều ảnh hưởng đến môi trường không khí như Xây dựng, Cơ khí, Giao thông, Điện và Khai thác khoáng sản… Ngành thải ra nhiều chất thải rắn đó là Y tế, đóng tàu, Xi măng…

Qua đánh giá sơ bộ, nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường tại 18 ngành và lĩnh vực này lên tới hơn 124 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD). Điều đáng lo ngại là nếu không có các biện pháp kịp thời thì với tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá, khai thác tài nguyên như hiện nay thì dự báo tới năm 2020, ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 4-5 lần hiện nay, tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường ở mức 0,3% GDP, tới năm 2020 sẽ tăng lên 1,2% GDP.

Trong khi đó, để phát triển kinh tế xã hội bền vững, thì mục tiêu đến năm 2010, chúng ta phải đạt được 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu đô thị từ loại 3 trở lên đều có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và y tế phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường…

Đó cũng chính là lý do Bộ Công Thương sẽ đứng ra chủ trì tổ chức Triển lãm và Hội thảo quốc gia về sản phẩm & công nghệ thân thiện môi trường 2009 từ ngày 17- 20/3/2009 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, phát triển ngành công nghiệp môi trường cũng chính là để thực hiện mục tiêu trên. Hi vọng rằng, đây sẽ là cơ hội để không chỉ doanh nghiệp và cả người dân đều có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường vì cộng đồng cũng như chính bản thân họ.

Lan Hương