1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Căn hầm bí mật của người Liệt sỹ Xô Viết

(Dân trí) - Lính Pháp đuổi sát nút, ông Cường chạy vào gian phòng thờ, rồi lách qua cửa hông thông với căn phòng khác, nhảy xuống hầm bí mật của mình. Ngay trước ngày biểu tình của công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy, người Bí thư chi bộ đầu tiên của nhà máy đã bị địch bắn tử vong.

Căn hầm bí mật của người liệt sỹ Xô Viết

Ngôi nhà ba gian bằng gỗ vững chãi với kết cấu cổ xưa đã trở thành nhà thờ của chi họ Lê Viết (làng Yên Dũng Hạ, phường Bến Thủy, Tp Vinh, Nghệ An). Đây cũng là căn nhà của liệt sỹ Lê Viết Cường (SN 1897) – Bí thư Chi bộ đầu tiên của Nhà máy diêm Bến Thủy. Trong căn nhà ấy vẫn còn căn hầm bí mật là nơi ông Lê Viết Cường ẩn náu mỗi khi bị địch vây ráp, đuổi bắt.

Căn hầm bí mật của liệt sỹ Lê Viết Cường - Bí thư chi bộ đầu tiên của Nhà máy diêm Bến Thủy.
Căn hầm bí mật của liệt sỹ Lê Viết Cường - Bí thư chi bộ đầu tiên của Nhà máy diêm Bến Thủy.

Nắp hầm đã được thay thế bằng tấm bê tông, việc mở cửa hầm phải nhờ đến một thiết bị gắn ròng rọc. Mở cửa hầm cho chúng tôi, ông Lê Lưu Tịnh – cháu nội của liệt sỹ Lê Viết Cường cho biết: “Sau này, chúng tôi mới được bà nội kể cho về chiếc hầm bí mật của ông. Hồi xây dựng lại căn nhà này để làm nhà thờ tôi quyết định giữ nguyên căn hầm. Đó là chứng tích một thời hoạt động cách mạng của ông tôi – liệt sỹ Xô Viết Lê Viết Cường và để giúp con cháu thời sau biết quý trọng, biết ơn sự gian khổ, hi sinh của cha ông mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Miệng hầm rộng chừng 80cm, sâu khoảng 1,2m, đủ để một người ngồi lọt thỏm trong đó. Phía trên hầm được gác bằng những đòn gỗ, sau này, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, những đòn gỗ ấy đã được tháo dỡ để bộ đội làm hầm, bắc cầu.

Ông Lê Viết Cường sinh ra trong một gia đình trung nông lớp dưới. Theo gia phả họ Lê thì ông Cường là bác của Lê Mao và Lê Viết Thuật. Ông tham gia các hoạt động yêu nước từ sớm, từ khoảng năm 1924-1925 trong tổ chức “Công hội đỏ”. Khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, ông Lê Viết Cường được giác ngộ cách mạng và đứng vào hàng ngũ của Đảng. Khi Chi bộ Nhà máy diêm – đèn Bến Thủy được thành lập, ông Lê Viết Cường trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của nhà máy.

Ông Lê Lưu Tịnh - cháu ruột liệt sỹ Lê Viết Cường kể lại câu chuyện về sự hi sinh của ông nội trong Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ông Lê Lưu Tịnh - cháu ruột liệt sỹ Lê Viết Cường kể lại câu chuyện về sự hi sinh của ông nội trong Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng, công nhân nhà máy diêm, nhà máy cưa Bến Thủy đã từng bước đấu tranh, đòi chủ nhà máy từng bước đáp ứng một số quyền lợi chính đáng của người lao động. Các lãnh đạo chủ chốt của Chi bộ Đảng nhà máy diêm – đèn Bến Thủy nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của bọn mật thám phòng nhì và bọn cường hào tay sai.

“Bà tôi kể, có lần, ông tôi đi họp để phổ biến những chính sách mới của Đảng về phương pháp, cách thức đấu tranh cách mạng thì bị vây ráp. Hồi đó căn nhà có 8 gian, bên cạnh gian thờ có một cửa ngách thông vào gian bên cạnh. Ở đó, ông tôi đào sẵn một căn hầm. Khi bị địch đuổi bắt, ông chạy vào gian thờ rồi lách qua cửa hông, nhảy xuống hầm trú ẩn.

Bọn địch đuổi đến gian thờ, không phát hiện ra cánh cửa hông nên vòng ra phía sau, chỗ gian nhà bà tôi nằm. Thời điểm đó, bà tôi vừa sinh cô út, đang phải kiêng cữ, xông than. Bọn lính Pháp và cường hào tay sai sợ gặp bà đẻ sẽ xui xẻo nên không xông vào lục soát, bởi vậy không phát hiện ra gian nhà kế tiếp và căn hầm bí mật. Nhờ đó, ông tôi mới thoát khỏi vòng vây của địch”, ông Lê Lưu Tịnh kể.

Đầu năm 1930, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Trung Kỳ phát động một cuộc đấu tranh cách mạng trong giới công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy và các làng xã lân cận. Tối ngày 30/4/1930, Chi bộ Đảng Nhà máy diêm Bến Thủy họp chuẩn bị cho cuộc biểu tình sẽ diễn ra vào ngày 1/5/1930. Gần sáng, những loạt súng nổ rộ lên ở khu vực Cồn Mô – nơi Chi bộ Đảng nhà máy đang họp.

Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc biểu tình, bãi công của công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy và nhân dân 5 làng xung quanh.
Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc biểu tình, bãi công của công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy và nhân dân 5 làng xung quanh.

“Bà tôi được báo tin, lính Pháp đã bắn chết ông tôi cùng 4 người khác, 2 người bị thương nặng. Trong đêm tối, mọi người tìm cách ra trộm xác ông tôi đưa về cất dấu tại khu vực vườn tre rậm rạp sau nhà, phủ lá lên. Sáng sớm, bà tôi phải cố gắng thể hiện như mọi việc vẫn đang bình thường, xách chổi ra cổng quét lá và phát hiện rất nhiều truyền đơn kêu gọi biểu tình, đấu tranh được thả trắng đường.

Bà tôi gom những truyền đơn đó lại, mang dấu vào gốc cây lộc vừng. Một toán lính phòng nhì cùng tay sai rầm rập chạy đến. Như đã được chỉ điểm từ trước, chúng xới tung đống lá tre lên nhưng không phát hiện được gì, quay lại dùng gậy, báng súng đánh thằng chỉ điểm. Nhờ vậy, cả gia đình tôi mới thoát nạn. Ông tôi chết nhưng không được phát tang vì sợ bị lộ, cả nhà nén đau thương làm lễ mai táng cho ông trong tiếng hô dậy đất trời của cuộc biểu tình công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy”, ông Tịnh kể tiếp.

Mặc dù nhiều cán bộ cốt cán trong Chi bộ Đảng Nhà máy diêm Bến Thủy bị giặc Pháp bắn chết và bị thương nhưng cuộc biểu tình của công nhân Nhà máy và nhân dân 5 làng lân cận vẫn diễn ra như kế hoạch. Đây là phát súng mở đầu cho Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh – phong trào đấu tranh cách mạng đánh dấu một bước chuyển biến mau lẹ của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Di tích lịch sử Cồn Mô - nơi ông Lê Viết Cường cùng các đồng chí của mình hi sinh.
Di tích lịch sử Cồn Mô - nơi ông Lê Viết Cường cùng các đồng chí của mình hi sinh.

Ông Lê Viết Cường hi sinh khi vừa tròn 33 tuổi. Đến năm 1959, ông được công nhận là liệt sỹ. Tiếp bước cha, người con trai duy nhất Lê Viết Hoằng cũng sớm dấn thân vào cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương. Năm 1967, Bí thư đảng bộ Hương Thủy (tức phường Bến Thủy ngày nay) kiêm quyền Chủ tịch xã Hương Thủy hi sinh trong một trận bom của đế quốc Mỹ.

Cồn Mô – nơi ông Lê Viết Cường cùng các đồng chí của mình ngã xuống ngay trước ngày diễn ra cuộc biểu tình mở đầu cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nay đã trở thành di tích lịch sử. Một tượng đài sừng sững đã được dựng lên cùng với hình tượng chiếc trống – tiếng trống thúc dục những người lầm than nổi dậy đấu tranh đòi quyền lợi, đòi cơm áo, đòi ruộng đất, đòi tự do, độc lập.

Trong những ngày sục sôi kỉ niệm 85 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, gia đình ông Lê Lưu Tịnh lại có thêm niềm vui khi bà Nguyễn Thị Hai – vợ của Liệt sỹ Xô Viết Lê Viết Cường, mẹ của Liệt sỹ Lê Viết Hoằng được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

                                                                                           Hoàng Lam

 

Căn hầm bí mật của người Liệt sỹ Xô Viết - 5

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm