1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cần đổi mới chính trị phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế

(Dân trí) - Chiều 14/1, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về các văn kiện ĐH Đảng XI. Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là xây dựng đội ngũ trí thức, giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị…

GS Châu Văn Minh Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Cần có cơ chế thích hợp để đội ngũ tri thức phát huy.

Thống kê về đội ngũ trí thức hiện nay ở Việt Nam, theo đại biểu Châu Văn Minh, cả nước có khoảng 3 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm gần 5% lực lượng lao động trong cả nước, trong đó có trên 6.000 GS, PGS, trên 18.000 Tiến sĩ, 36.000 Thạc sĩ và khoảng 3 triệu sinh viên đang theo học tại các trường đại học.
 
Cần đổi mới chính trị phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế - 1
GS. Châu Văn Minh

Trong khu vực sự nghiệp, đội ngũ trí thức chiếm khoảng 71%, khu vực hành chính chiếm 22%, khu vực kinh doanh 7%. Trí thức Việt Nam định cư ở nước ngoài có khoảng 400.000 người, chiếm trên 10% số người Việt Nam đang ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đại biểu Minh cho rằng: “Tỷ lệ trí thức nước ta trên tổng dân số so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn thấp. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng đội ngũ trí thức và từng bước phát triển nền kinh tế tri  thức là một đòi hỏi cấp bách, mang tính khách quan.  Phát triển kinh tế tri thức không chỉ bằng ý chí và nguyện vọng chủ quan mà đòi hỏi phải có những điều kiện tiên quyết để thực hiện, trước hết là phải xây dựng kết cấu hạ tầng thích hợp, bao gồm cả kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tâm lý xã hội, giáo dục, khoa học và phải có bước đi phù hợp”.

Để phát triển nền kinh tế tri thức, theo đại biểu Minh, cần phải có đội ngũ tri thức nhiều về số lượng và cao về chất lượng, đồng thời phải có cơ chế thích hợp để đội ngũ trí thức phát huy vai trò của mình, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Đại biểu Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện khoa học xã hội Việt Nam: Kinh tế thị trường đòi hỏi một hệ thống chính trị tôn trọng những quy luật khách quan.
 
Cần đổi mới chính trị phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế - 2
 
 
Trong bài tham luận của mình với chủ đề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị,  đại biểu Đỗ Hoài Nam cho rằng: Để giải quyết tốt hơn, hiệu quả hơn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn 2011-2020, cần phải đổi mới chính trị phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Nam phân tích: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đòi hỏi một hệ thống chính trị tôn trọng những quy luật khách quan của thị trường, quan tâm đến sự bình đẳng về cơ hội phát triển và nâng cao năng lực để đón bắt các cơ hội phát triển cho tất cả mọi người dân, tôn trọng sự bình đẳng và tạo cơ hội thuận lợi cho tất cả các chủ thể kinh tế phát triển, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng theo luật định”.

Đại biểu Nam nhấn mạnh: Yêu cầu phù hợp và đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn 2011-2020 đòi hỏi đổi mới kinh tế phải kiên định, triệt để, mạnh mẽ và đồng bộ, vững chắc hơn. Trong đó, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và cải cách nền hành chính công, sớm hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, giảm hợp lý đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, công nghệ mới và hiệu quả.
 
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Một nền ngoại giao toàn diện với 3 trụ cột.
 
Cần đổi mới chính trị phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế - 3

Trong tham luận của mình, Thứ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng, bối cảnh quốc tế và khu vực trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thời cơ, thách thức đan xen. Hội nhập chỉ có thể thành công khi thế và lực của đất nước, năng lực của đội ngũ cán bộ đạt đến một trình độ nhất định.

Để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XI, đại biểu Minh đưa ra 3 kiến nghị:
 
Thứ nhất, chủ động, tích cực trong nắm bắt thời cơ, nhận rõ thách thức, chủ động, tích cực trong lựa chọn mức độ và tốc độ tham gia, thậm chí khởi xướng các liên kết khu vực và quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước. Nhanh chóng nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
 
Thứ hai, thực hiện đúng phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện”. Ngoại giao cần thực sự trở thành một nền ngoại giao toàn diện với 3 trụ cột: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; đối ngoại quốc phòng và an ninh cần tiếp tục được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
 
Thứ ba, triển khai có hiệu quả các định hướng lớn của đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, đặc biệt là định hướng “đưa các quan hệ đối ngoại đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững”.

Hồng Hạnh – Nguyên Đức