1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Cần điều chỉnh “xung đột” giữa các phương tiện giao thông

(Dân trí) - Sau khi liên ngành Sở GTCC và Công an Hà Nội đưa ra một số đề xuất để giải quyết tình trạng “khủng hoảng” giao thông trên địa bàn thành phố, đã xuất hiện nhiều tranh cãi, băn khoăn mà phần lớn là về hoạt động của xe buýt hiện nay.

Để làm rõ hơn những khúc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với  ông Bùi Xuân Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải (Transerco - Hanoibus), một chuyên gia về lĩnh vực giao thông.

 

Một trong những giải pháp chống ùn tắc giao thông được kiến nghị lên UBND thành phố vừa qua là sẽ giảm 30% số lượt xe buýt hoạt động trên một số quận và cấm xe buýt trên 30 chỗ hoạt động trên tuyến đường rộng 10 m trở xuống…Quan điểm của ông về những đề xuất này như thế nào? 

 

Như tôi đã từng trao đổi và khẳng định từ thực tế, hoạt động của xe buýt trong những năm qua đã có những đóng góp không nhỏ cho nhu cầu đi lại của người dân, dịch vụ vận tải hành khách công cộng nói riêng và nhất là giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể, trong năm nay, với 44 tuyến đặt hàng, 11 tuyến xã hội hoá và các tuyến buýt kế cận đã vận chuyển được 400 triệu lượt hành khách, trong đó 1 ngày có hơn 1 triệu lượt người đi xe buýt.

 

Riêng ở địa bàn quận Đống Đa, Thanh Xuân với 8 tuyến buýt được vận hành đã vận chuyển được hơn 200.000 lượt hành khách/ngày, giờ cao điểm chở được 30.000 lượt người/giờ. Chính vì vậy, nếu giảm 30% số lượt xe buýt hoạt động trên tuyến này, có nghĩa là để hơn 1 vạn người sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy, xe ôtô con thì chuyện ùn tắc giao thông còn trầm trọng hơn nhiều.

 

Đặc biệt, ở Hà Nội hầu như không có tuyến đường nào rộng đều 10 m, trong khi 70% đường là rộng dưới 10 m. Vậy, nếu giảm cường độ xe to nghĩa là xe nhỏ được tăng thêm thì chuyện xảy ra ách tắc giao thông sẽ lại như cơm bữa, nhất là vào giờ cao điểm.

 

Đã từng là Phó Giám đốc Sở GTCC Hà Nội, vậy theo ông, nguyên nhân tắc đường hiện nay là do xe buýt hay xe máy gây ra? Việc bố trí lại các điểm dừng xe buýt phải cách ngã 3, ngã 4 ít nhất 200 m và điểm dừng xe buýt cách nhau ít nhất 1.000 m liệu có hợp lý?

 

Như các bạn đã biết, theo con số thống kê mới đây của Công an TP Hà Nội thì tỷ lệ xe gắn máy vẫn tăng ở mức cao với hơn 58.000 xe trong năm nay trong khi xe buýt hiện chỉ có 785 xe với cơ cấu là 30% xe to, xe trung bình là 50% và xe nhỏ chiếm 20%. Nếu tính đến chuyện phạm vi chiếm đất thì xe máy là 16 m2, đan chặt vào nhau là 8 m2 thì vẫn cao hơn xe buýt nhiều lần (chỉ chiếm 2 m2). Chính vì vậy, nguyên nhân chính gây ra tình trạng tắc đường hiện nay là do phương tiện tăng đột biến, trong đó có phần đóng góp của việc tăng nhiều xe máy.

 

Theo tôi, biện pháp mà Công an thành phố đưa ra để hạn chế tăng xe gắn máy như quy định mức lệ phí đăng ký xe, lệ phí trước bạ khi đăng ký xe lần 1, 2, 3... để hạn chế người dân mua xe mới, khuyến khích sang tên xe là rất hợp lý.

 

Riêng chuyện bố trí lại điểm dừng xe buýt như đề xuất thì chưa hợp lý vì hiện Hà Nội có trên 1.000 điểm dừng và nếu để các điểm cách nhau 1.000 m thì làm gì còn hành khách muốn đi xe buýt nữa. Theo tôi, cần điều tra và có sự phân tích lại các điểm dừng ở từng vùng một, nếu bố trí lại thì chỉ nên để các điểm dừng cách nhau 500 m là cùng.

 

Trong đề xuất này cũng đề cập tới việc lập lại trật tự tại các điểm đỗ xe như sẽ xóa 30-40% số điểm đỗ và quy định xe đỗ trên đường tối đa không quá 90 phút và các cơ quan, đơn vị bắt buộc phải xây dựng nơi đỗ xe trong khuôn viên đất của mình từ năm 2007... Ý kiến của ông về vấn đề này?

 

Theo tôi, hiện Hà Nội vẫn thiếu điểm đỗ nên thành phố cũng cần có chủ trương dành đất trống để xây dựng ngay một điểm đỗ xe, đồng thời cũng cần phải có nơi đỗ xe ở vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, tại những nơi này chỉ nên cho phép phương tiện thực sự cần đỗ, chịu mất phí cao và chỉ cho phép đỗ theo giờ. Tôi thí dụ như, người điều khiển phương tiện ôtô nếu muốn đỗ ở trước cổng Tràng Tiền thì phải mất phí là 100.000 đồng/giờ, nếu đỗ quá giờ thì “cẩu” đi… Cứ thực hiện như vậy trong một thời gian sẽ vãn ngay tình trạng đỗ xe trên đường.

 

Còn việc bắt buộc các cơ quan, đơn vị phải xây dựng nơi đỗ xe trong khuôn viên đất của mình từ năm 2007, theo tôi điều này cũng khó khả thi vì ngay từ đầu chúng ta đã không thực hiện nghiêm việc này.

 

Vừa qua, cũng có thông tin cho rằng do phí  trông giữ xe quá thấp nên các điểm đỗ trông giữ xe của Tổng Công ty quản lý không chịu nhận xe vi phạm, nhất là xe tai nạn?

 

Thực ra thông tin này không đúng vì ngay từ sơ khởi, Công an cũng đã có bãi đỗ xe ở Tứ Kỳ để giữ xe vi phạm và xe tai nạn nhưng do không đủ nên nhiều phương tiện cũng được đem giữ ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, Tổng Công ty và Phòng CSGT cũng đã thống nhất được việc toàn bộ các xe vi phạm, xe tai nạn đều được đưa vào trông giữ tại tất cả các bãi đỗ xe của Công ty khai thác điểm đỗ.

 

Quay trở lại vấn đề giao thông, theo ông, Hà Nội cần phải triển khai những giải pháp gì để chống nạn ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thủ đô trong thời gian tới?

 

Thành phố không nên lập lại sai lầm như đã dỡ bỏ đường xe điện trước kia, đừng thấy vướng đâu bỏ đấy. Ngoài việc đầu tư 50 triệu USD xây dựng lại hệ thống đường xe điện, thời điểm này, thành phố cần phải cân đối lại cơ cấu phương tiện và đã đến lúc tính toán đến việc phát triển phương tiện chuyên chở lớn hơn như tầu điện ngầm hoặc tàu điện trên cao. Tuy nhiên, thành phố cũng cần phải tính toán kỹ đến chi phí xây dựng các loại hình này.

 

Theo tôi, muốn giảm ùn tắc giao thông thì thành phố cần phải xác định rõ trong việc phát triển phương tiện, một là tăng xe máy hoặc xe buýt và phải có ngay giải pháp điều chỉnh xung đột giao thông của các phương tiện nhất là đối với xe buýt, thậm chí phải tính đến chuyện hạn chế bớt xe máy.

 

Còn kế hoạch sắp tới của Tổng Công ty về hoạt động của xe buýt? 

 

Mặc dù tốc độ tăng trưởng hiện nay của buýt vẫn đạt 10%/năm nhưng mức độ tiện lợi của loại hình này đang ở mức đáng lo ngại, nhiều tuyến quá chật trội trong khi muốn tăng thêm xe buýt cũng không được và cơ sơ hạ tầng của ta cũng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của buýt như hiện nay.

 

Hiện nay, bên cạnh việc tăng cường đào tạo lại kỹ năng cho lái xe, Tổng Công ty cũng đang tổ chức điều tra lộ trình của các tuyến buýt như xem có bao nhiều người đi thẳng, bao nhiều khách dừng nhiều ở các điểm và để từ đó có kế hoạch giảm bớt việc ra vào các điểm dừng. Ngoài việc vẫn giữ một số tuyến buýt chạy bình thường thì Tổng Công ty cũng đang thử nghiệm cho chạy thẳng từ đầu A - B, chạy tăng cường trên một số tuyến khác. Dứt khoát trong tháng 12 này, Tổng Công ty sẽ có được kết quả điều tra này để có sự điều chỉnh hoạt động của xe buýt.

 

Xin cám ơn ông.

 

Mạnh Hùng (thực hiện)