Bạc Liêu:
Căn cứ đặc biệt nơi ông Lê Duẩn, ông Võ Văn Kiệt từng hoạt động kháng chiến
(Dân trí) - Khu căn cứ Cái Chanh từng là nơi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt… hoạt động trong những năm kháng chiến giai đoạn 1949 - 1954 tại tỉnh Bạc Liêu.
Khu căn cứ Cái Chanh (còn gọi là Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu) tọa lạc tại ấp Cây Cui (xã Ninh Thạnh Lợi, Hồng Dân, Bạc Liêu), cách trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu khoảng 60 km về hướng Tây Bắc.
Theo sử liệu, trong hai năm 1948 -1949, quân Pháp liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét vào Đồng Tháp Mười, xây dựng một hệ thống đồn bốt và tháp canh để khống chế và bao vây căn cứ địa của ta.
Nhằm chủ động đối phó với địch có hiệu quả, tháng 10/1949, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ quyết định di chuyển toàn bộ các cơ quan xuống vùng giải phóng miền Tây để lập chiến khu trú đóng, chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Khi xuống vùng giải phóng của hai tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá, các cơ quan thuộc Xứ ủy Nam Bộ đóng rải rác ở nhà dân là chính. Ở một vài tháng rồi di chuyển đến nơi khác để đảm bảo bí mật, an toàn.
Các cơ quan Nam Bộ buổi đầu làm việc, ăn ở chủ yếu trong nhà dân, được dân đùm bọc, nuôi dưỡng. Riêng Xứ ủy Nam Bộ đầu tiên về đóng tại khu vực Cái Chanh (ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Trong đó, ông Lê Duẩn cùng với bộ phận văn phòng và thư ký, cận vệ ở nhà một người dân tại Cái Chanh.
Để đảm bảo an toàn cho ông Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đội bảo vệ đã đến một ngôi nhà hoang (trước đây là nhà của Chánh tổng Thanh Yên Nguyễn Hữu Trí) ở Phó Sinh (gần Cái Chanh) đào lấy cái lu lớn để đưa về làm hầm lu cho Bí thư Xứ ủy trú ẩn mỗi khi có pháo kích hay máy bay bắn phá.
Trong thời gian trú đóng và hoạt động từ cuối năm 1949 đến 1951 tại căn cứ Cái Chanh và một vài địa điểm khác, ông Lê Duẩn và các ông Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thượng Vũ, Nguyễn Văn Nguyễn, Võ Văn Kiệt... đã cổ vũ lớn lao về tinh thần đối với Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu. Từ đây, vùng giải phóng Bạc Liêu tiếp tục được mở rộng.
Cũng trong thời điểm 1949 - 1950, Trường Đảng mang tên Trường Chinh mở khóa đầu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp cho các Khu ủy, Tỉnh ủy, các ban ngành tại chùa Phước Ninh (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu).
Trong thời gian theo học tại trường, ông Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thường dùng chiếc xuồng lườn để di chuyển tới lui trên những dòng kênh rạch chằng chịt cho thuận tiện. Bên cạnh đó, có nhiều cơ quan đơn vị khác đồn trú, sinh hoạt tại đây, như công binh xưởng chế tạo vũ khí, xưởng dệt, nhà in... Cơ sở hoạt động đến năm 1952 thì sơ tán về vùng U Minh Hạ.
Tháng 6/1952, ông Lê Duẩn được Trung ương Đảng và Bác Hồ mời ra chiến khu Việt Bắc để báo cáo tình hình miền Nam và ở lại làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng. Đến đầu năm 1954, ông Lê Duẩn trở về miền Nam để lãnh đạo cách mạng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo việc thi hành Hiệp định đình chiến, lần lượt chuyển quân tập kết ra Bắc, kết thúc 9 năm chống Pháp.
Tiếp nối sự nghiệp cách mạng của Xứ ủy Nam Bộ, trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, vùng đất Cái Chanh tiếp tục được Tỉnh ủy Bạc Liêu chọn làm căn cứ trú đóng và hoạt động.
Ngày 20/11/1973, tại căn cứ Cái Chanh, Khu ủy khu 9 công bố quyết định tái thành lập tỉnh Bạc Liêu, sau 16 năm sáp nhập với tỉnh Sóc Trăng.
Sau đó, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã thực hiện chủ trương của Khu ủy, tập trung lãnh đạo quân và dân chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tiến đến giải phóng Bạc Liêu. Lúc 10h30 ngày 30/4/1975, trước sức ép của phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu, buộc Đại tá, Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn được giải phóng.