1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Cần công nhân, “chê” bằng cấp

(Dân trí) - Trong tháng 4/2013, nhu cầu lao động của TPHCM tăng khá cao so với tháng trước. Nhưng nhu cầu lao động ở tất cả các nhóm lao động có bằng cấp đều giảm.

 “Thợ” tăng, “thầy” giảm

Trong tháng 4/2013, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) khảo sát hơn 1.800 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và hơn 4.440  người lao động có nhu cầu tìm việc. Từ đó cho thấy nhu cầu nhân lực trong tháng 4/2013 tăng 33% so vói tháng 3/2013. Nhu cầu tuyển dụng lao động chiếm tỷ lệ cao ở các nhóm ngành: Kinh doanh - Bán hàng (27%), Dịch vụ - Phục vụ (11%), Marketing - Quan hệ công chúng (6,5%)

Xét về cơ cấu trình độ nhân lực có thể thấy sự thay đổi rõ nét giữa nhóm lao động có trình độ từ trung cấp trở lên và nhóm lao động dưới trình độ này. Trong khi nhu cầu lao động trong nhóm công nhân nghề và lao động phổ thông tăng cao thì nhu cầu lao động đối với các nhóm lao động trình độ cao đều giảm.

Cạnh tranh tuyển dụng
trong nhóm lao động có bằng cấp ngày càng gay gắt (ảnh minh họa)
Cạnh tranh tuyển dụng trong nhóm lao động có bằng cấp ngày càng gay gắt (ảnh minh họa)

Trong tháng 4/2013, nhu cầu tuyển dụng Lao động phổ thông chiếm khoảng 43% tổng số nhu cầu nhân lực trong tháng, tăng mạnh so với tháng 3/2013 (chiếm 35,7%). Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Falmi cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chủ yếu ở nhóm ngành: Dệt may - Giày da, Nhân viên kinh doanh - Bán hàng, Mộc - Mỹ nghệ - Tiểu thủ công nghiệp, Dịch vụ phục vụ (bảo vệ, phụ giúp việc nhà…). 4 nhóm ngành này chiếm 56% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông”.

Nhu cầu tuyển dụng lao động sơ cấp nghề cũng tăng nhưng mức tăng khá nhỏ. Riêng nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật lành nghề thì lại tăng gấp 3 lần so với tháng 3/2013, từ tỷ lệ 2% tổng nhu cầu nhân lực trong tháng 3/2014 nhảy lên mức 6,6% tổng nhu cầu nhân lực trong tháng 4/2013.

Trong khi đó, tỷ lệ nhu cầu lao động có trình độ trung cấp trong tháng 4/2013 chỉ có 22,5% (tháng 3/2013 là 27,9%), trình độ cao đẳng là 11% (tháng 3/2013 là 14,3%), trình độ đại học là 13,6% (tháng 3/2013 là 16,8%), trình độ trên đại học là 0,6% (tháng 3/2013 là 1,2%).

“Thầy” sẽ càng khó kiếm việc

Theo Falmi, dự kiến nhu cầu lao động tháng 5/2013 cần khoảng trên 20.000 chỗ làm việc trống,  xu hướng tiếp tục tăng về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 5/2013, thị trường cần 48% lao động phổ thông và lao động có trình độ sơ cấp, 20% lao động kỹ thuật lành nghề và trình độ Trung cấp, 15% lao động trình độ Cao đẳng và 17% lao động có trình độ đại học trở lên.

Bước sang tháng đầu tiên của quý 2/2013, thị trường lao động TPHCM đã có tình trạng giảm sút nhu cầu nhân lực có trình độ cao và nhiều dấu hiệu cho thấy các tháng tới sẽ còn tiếp diễn. Do đó, khả năng tìm việc của nhóm lao động này trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn.

Ngoài lý do nhu cầu thị trường sụt giảm, một nguyên nhân khác khiến lao động có bằng cấp khó tìm việc là kinh nghiệm và trình độ chuyên môn. Ông Trần Anh Tuấn nhận định: “Trong tháng 4, các nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục chú trọng nhu cầu lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn. Vì vậy, trên 50% sinh viên mới tốt nghiệp có bằng cấp nhưng thiếu kiến thức thực tế, thiếu kỹ năng mềm có gặp nhiều khó khăn hạn chế tìm được việc làm phù hợp, ổn định”.

Ông Tuấn cho rằng: “Ở một số nhóm ngành đòi hỏi kỹ năng chuyên nghiệp như Tài chính – Ngân hàng, Marketing, Công nghệ thông tin, Kế toán - Kiểm toán… thì hầu như kiến thức của nhiều sinh viên mới tốt nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Người lao động thiếu kinh nghiệm sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt khi tham gia tuyển dụng”.

Theo ông Trần Anh Tuấn thì sự cạnh tranh cung - cầu lao động trong tháng 4/2013 có phần gay gắt hơn so với những tháng đầu năm 2013 do sự gia tăng nhu cầu tìm việc làm của những lao động có kinh nghiệm chuyên môn, dịch chuyển sang đơn vị khác để tìm công việc tốt hơn. Ông Tuấn cho biết: “Trong tháng 4/2013, có hơn 40% người lao động tìm việc là có kinh nghiệm từ 1 – 2 năm, tìm việc vì nhu cầu hướng đến môi trường làm việc hấp dẫn hơn về lương, chế độ phúc lợi…”.

Theo đánh giá của Falmi, trong thời gian tới, mức cạnh tranh trong quá trình tìm việc trên của các nhóm lao động có trình độ sẽ càng gay gắt hơn. Bởi thời gian tới sẽ có một lứa sinh viên, học sinh mới ra trường từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp bổ sung vào nguồn lao động tìm việc. Trong khi đó, tình hình dịch chuyển lao động vẫn còn tiếp diễn mạnh ở các nhóm ngành cần nhân lực có trình độ như: Công nghệ thông tin, Kế toán - Kiểm toán…

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm