1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Cần công khai về thuế và phí giao thông người dân đang phải nộp”

(Dân trí) - Nhìn nhận dự thảo mức phí bảo trì đường bộ là hợp lí, nhưng trao đổi với PV <i>Dân trí</i>, TS. Khuất Việt Hùng cho rằng cần có sự công khai minh bạch về những khoản thuế và phí mà người dân đang phải nộp, trong đó có bao nhiêu là dành cho giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đưa ra dự thảo Thông tư mới về hoạt động thu - chi quỹ bảo trì đường bộ, trong đó chốt các mức thu cơ bản đối với 8 nhóm ô tô và và 4 nhóm xe máy. Theo ông, việc chia giãn các nhóm đối tượng nộp phí có ý nghĩa gì hay là sự lúng túng nhất định của Bộ này trước áp lực dư luận?

TS. Khuất Việt Hùng - Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, trường Đại học GTVT: Tôi cho rằng việc giãn các nhóm đối tượng nộp phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT là hết sức bình thường chứ không phải lúng túng.

Bộ GTVT có những kênh lấy ý kiến riêng của họ. Trong quá trình hoàn thiện Bộ GTVT đã có những sự lắng nghe nhất định, tiếp thu và điều chỉnh - đây là một điều mới mẻ trong cách ứng xử của cơ quan hành chính, cơ quan công quyền với phản ứng của người dân, một sự thay đổi tích cực. Bởi, Bộ GTVT có thể bảo lưu quan điểm thu phí ban đầu của họ (kể cả đề xuất đó không thực sự là tốt) nhưng ở thời điểm này họ đã có điều chỉnh và thực tế nếu như Bộ GTVT vẫn kiên định với đề xuất ban đầu thì rõ ràng ý kiến của người dân đã không được lắng nghe, người dân phải chịu.

Nói là giãn nhóm và mức phí “dễ thở” hơn, nhưng với số lượng ô tô, xe máy lớn như hiện nay thì mức phí thu được không phải nhỏ. Vậy theo ông việc thu phí qua đầu phương tiện mà Bộ GTVT đề xuất có phải là tối ưu nhất?

Không. Cách tối ưu nhất về mặt kỹ thuật là thu phí theo thực tế tham gia giao thông của từng loại phương tiện, trong đó lắp đặt hệ thống GPS để có thể đo được tải trọng thực tế của xe để thu phí chính xác, xe lăn bánh đến đâu đều có thể theo dõi được và tạo sự công bằng. Tuy nhiên, trên thế giới hiện chỉ có Singapore là sắp áp dụng cách thu này, còn ở Việt Nam tại sao người ta không đề xuất và áp dụng như Singapore là vì có một số nguyên nhân: tự do cá nhân, an ninh an toàn với con người và hạ tầng công nghệ còn thấp, phải mất khoảng 4-5 năm để nghiên cứu ứng dụng…
 
“Cần công khai về thuế và phí giao thông người dân đang phải nộp”

TS. Khuất Việt Hùng

Cách thu qua xăng dầu là công bằng và hầu như các nước trên thế giới đang áp dụng. Theo nghiên cứu và kinh nghiệm của tôi thì tôi vẫn luôn mong muốn Việt Nam thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu. Nhưng Bộ GTVT họ đã có những lý giải thực tiễn và bảo vệ quan điểm của mình, vì nếu áp dụng sẽ rất khó và phức tạp để phân định rạch ròi đối tượng sử dụng xăng dầu vào hoạt động vận chuyển đường bộ hay vận hành tàu thuyền đường thủy…

Vì thế, với cách được chọn để áp dụng tới đây là thu qua đầu phương tiện thì dễ làm, đơn giản, về mặt kỹ thuật là khả thi, nhưng không công bằng tuyệt đối.

Các mức phí đối với ô tô là từ 180.000 đến 1,4 triệu đồng/tháng/xe là phù hợp hay còn cao? Người nộp phí có thể “gánh” được mức phí này hay không?

Chúng tôi đã từng có những nghiên cứu và khảo sát cho thấy mức sàn phí thấp nhất dao động trong khoảng 300.000 đồng/tháng/xe, còn hiện tại với mức phí bảo trì đường bộ thấp nhất đối với ô tô mà Bộ GTVT đề xuất là 180.000 đồng/tháng/xe thì tôi thấy hợp lí.

Rất nhiều người dân vẫn cho rằng các mức này là cao, thậm chí là quá cao. Ông đánh giá như thế nào về những phản ứng không đồng tình về việc nộp phí?

Ý của người dân là không được thu gì cả, nhưng nay tiến hành thu thì bỗng nhiên họ phải mất một khoản tiền gọi là phí đó nên đương nhiên là họ sẽ phản ứng.

Có một thực tế dễ hiểu thế này, người ta luôn chọn đi trên những con đường đẹp nhất (đường cao tốc), dễ nhất, gần nhất, chọn dừng đỗ ở những chỗ nào thuận tiện nhất cho mình, kể cả xe quá tải trọng qua cầu giới hạn nhưng họ vẫn ung dung… Nhưng đến khi đường hỏng, cầu hỏng và có yêu cầu phải nộp phí để sửa chữa thì người ta lại phản ứng, họ kêu ầm lên là sao bắt tôi phải đóng nhiều thế?
 
Ông nghĩ sao về sự đánh đồng mức phí giữa phương tiện đi ít và đi nhiều, hay nói cụ thể hơn là xe hoạt động kinh doanh và xe phục vụ gia đình?

Ở nước ngoài họ có một sự lí luận rằng xe kinh doanh vận tải là tạo ra công ăn việc làm cho xã hội và họ phải nộp thuế định kỳ, nên được chấp thuận. Còn xe riêng, xe gia đình chỉ phục vụ mục đích cá nhân thì không tạo ra công ăn việc làm cho xã hội và cũng không phải nộp đồng thuế nào cho ai cả, trong khi đó thuế là nguồn thu chính để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đã đề nghị giảm mức phí xuống 60% và lùi thời hạn thu sang 2013 nhưng Bộ GTVT không chấp thuận, theo ông có cần một chính sách linh hoạt hơn? Việc thực hiện thu phí từ 1/6 tới đây có hợp lí hay vẫn là quá vội?

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ từ 1/6 tới đây không phải là quá sớm, bởi loại phí này nằm trong Luật Giao thông đường bộ và đúng ra phải thu từ năm 2009. Còn nếu lùi thời hạn sang năm 2013 thì tới thời điểm đó lại có thêm những lí do khác để lùi tiếp.
 
“Cần công khai về thuế và phí giao thông người dân đang phải nộp”
Cần công khai về các loại thuế và phí giao thông người dân đang phải nộp

Về mức phí đề nghị của các doanh nghiệp vận tải là giảm 60%, tôi đặt ngược lại câu hỏi là sao không đề nghị giảm 80% hoặc đề nghị miễn? Cơ sở nào để đề nghị giảm và lùi thời hạn? Thực ra thì các doanh nghiệp đều có cái lí của họ, nhưng cũng phải thẳng thắn là các doanh nghiệp cần lùi thời hạn thu phí để chuẩn bị nhưng chuẩn bị cái gì? Tiền hay thời gian?

Ở đây, nếu xem xét đề nghị này thì có thể Bộ GTVT sẽ đề xuất với Bộ Tài chính là cho chậm thu phí đối với các doanh nghiệp. Nhưng nói đến đây thì lại nảy ra 1 vấn đề khác là địa chỉ kiến nghị và quyền thực hiện kiến nghị, quyền cho lùi thu phí. Thực tế, Bộ GTVT chỉ là cơ quan đề xuất còn Bộ Tài chính mới là cơ quan ban hành và thực hiện thu phí, tức là các doanh nghiệp phải kiến nghị Bộ Tài chính chứ không phải Bộ GTVT.

Nếu để hợp lòng dân thì tốt nhất là không thu phí, vậy điều đó có thể chấp nhận được không đối với điều kiện thực tế phát triển giao thông?

Cả thế giới đang thu phí bảo trì đường bộ, nước ngoài họ gọi đó là thuế, còn Việt Nam thì gọi là phí.

Theo tôi, cách để làm hợp lòng dân và nhận được sự đồng thuận trong việc nộp phí này thì Bộ GTVT nên đề nghị Chính phủ, đề nghị Bộ Tài chính công bố chính xác hiện nay có bao nhiêu khoản thuế và phí mà người dân đang phải nộp, trong đó có bao nhiêu là dành cho giao thông, hiện ngân sách dành cho giao thông còn hay hết và nếu phải thu thì thu bao nhiêu là đủ, người dân hiện đang được trợ giá bao nhiêu tiền/chuyến đi? Còn với quỹ bảo trì đường bộ, cần công khai số tiền mấy nghìn tỷ thu được sử dụng như thế nào, chi hết bao nhiêu và còn bao nhiêu…

Ở góc độ một chuyên gia quy hoạch và quản lý giao thông, ông có ủng hộ những đề xuất thu phí của Bộ trưởng Thăng?

Tôi đồng tình với chủ trương và các loại phí giao thông mà chủ phương tiện phải nộp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Anh