1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cần có cơ chế khuyến khích công chức nộp lại quà biếu

(Dân trí) - Viện trưởng Viện KSND Tối cao Trần Quốc Vượng cho rằng, để khuyến khích việc nộp lại quà tặng, chúng ta không nên quá cứng nhắc. Cũng theo ông, chúng ta cần có những qui định “thoáng” hơn nữa để tạo thuận lợi cho việc phòng chống tham nhũng.

Thưa ông, từ khi có quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà biếu, đã bao giờ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổng kết đánh giá xem việc thực hiện như thế nào chưa?

Hiện tôi biết là chưa có đánh giá. Đúng là chúng ta đã có quy định nhưng từng cơ quan cũng phải có quy định, tổ chức thực hiện cụ thể như nộp vào đâu, ai thu, nộp vào ngân sách hay không.

Trong hơn 10 năm qua, đã có nhiều trường hợp nộp lại tiền, quà biếu... nhưng mỗi trường hợp như vậy đều có đánh giá khác nhau?

"Ở một số nước tôi thấy người ta có cơ chế mở, khuyến khích công chức nộp lại tiền, quà biếu. Thậm chí người ta còn trích lại phần trăm để thưởng lại cho người đó. Cái đó tôi cho rằng rất tốt" - Viện trưởng VKSND Trần Quốc Vượng.

Theo tôi đánh giá khác nhau cũng đúng thôi, vì lúc đó không có quy định cụ thể. Nhưng theo tôi bây giờ cần phải khuyến khích được người ta nộp lại. Bất cứ việc nộp lại nào theo tôi cũng là tốt. Đừng bàn quá nhiều đến chuyện ông nộp thế này là sai nguyên tắc hay không sai nguyên tắc, vì như vậy là quá nặng nề, làm cho người ta mất ý thức nộp. Bây giờ chúng ta đang thực hiện quy chế nên phải uốn nắn dần.

Cụ thể việc khuyến khích nộp lại theo ông là như thế nào?

Ai nộp lại thì sẽ biểu dương, khen thưởng chẳng hạn.

Trong bối cảnh như hiện nay có phải làm rõ người tặng không?

Theo tôi nếu ít thì chưa nên đặt ra, nhưng nhiều thì nên đặt ra. Hiện nay mình phải khuyến khích nộp lại. Tôi thấy các nước người ta làm vấn đề này rất tốt.

Trường hợp người đưa quà vì động cơ vụ lợi, có khuyến khích nhận và nộp lại không?

Tôi cho rằng vì động cơ vụ lợi, vì một công việc gì đó mà anh đang giải quyết dù là món quà rất nhỏ cũng phải từ chối, lên án.

Nhưng từ chối không được thì sao?

Anh phải nộp lại cho nhà nước, phải nộp ngay. Ví dụ một anh đang giải quyết vụ án mà người ta lại là đương sự trong vụ án, người ta đưa tiền thì anh phải từ chối. Nếu người kia không nhận lại thì phải tiến hành lập biên bản ngay và báo cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Tuy nhiên, việc nộp lại cho ai và như thế nào cũng sẽ gây tranh cãi, như trường hợp ông Quách Lê Thanh, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ nộp lại cho Ban nội chính trung ương, trong khi đáng ra phải nộp cho cơ quan điều tra để họ khởi tố điều tra, xử lý hành vi đưa hối lộ?

Trường hợp của anh Thanh đã có kết luận rồi. Vụ việc đó đã được xử lý, dù sao lúc đó anh Thanh cũng được xác định là có khuyết điểm.

Nhưng việc lập biên bản như thế nào và ai chứng kiến cũng là vấn đề phức tạp?

Quá đơn giản! Chỉ cần gọi người trong cơ quan đến tiến hành lập biên bản khẳng định tôi không nhận và nộp số tiền này cho cơ quan Nhà nước.

Theo ông, người nộp có quyền thông báo cho cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật ?

Việc thông báo cứ thông báo còn việc xem xét hình sự hay không là của cơ quan chức năng. Trường hợp anh đưa tiền, đưa quà để gắn vào mục đích giải quyết công việc cho anh thì phải xử lý.

Hiện có những ý kiến cho rằng nên khuyến khích việc nộp lại tiền, thậm chí người đưa tiền nếu tố cáo thì cũng được miễn trách nhiệm hình sự?

Bây giờ ta chưa đặt ra điều này. Chúng tôi cho rằng chúng ta chưa đặt ra vấn đề này cũng là khó khăn cho việc phòng chống tham nhũng. Ở các nước trong trường hợp người nhận tiền, quà rồi nộp lại thì chỉ xử lý người đưa hối lộ. Còn người nhận nộp lại đương nhiên được miễn trách nhiệm, hoặc xử lý rất nhẹ thì mới khuyến khích được. Cái thứ hai nếu người đưa tố cáo người nhận thì không xử lý người đưa mà chỉ xử lý người nhận. Phải mở một đầu như vậy thì mới tăng khả năng phát hiện và ngăn chặn được tham nhũng. Chứ cứ chặn cả hai đầu thì rất khó. Vấn đề này hiện chúng ta mới chỉ đang bàn.

Dưới góc độ ngành kiểm sát, ông có ý kiến, kiến nghị gì về vấn đề này?

Chúng tôi đang nghiên cứu. Tôi biết khi xây dựng luật phòng chống tham nhũng và khi xây dựng nghị quyết trung ương 3 về phòng chống tham nhũng cũng đặt ra vấn đề này.

Khảo sát việc thực hiện quy chế quà tặng và nộp lại cho thấy, chưa có cơ quan nào thực hiện một cách bài bản. Hiện nay ở Trung ương cũng chưa có một cơ quan phụ trách và chịu trách nhiệm về mảng công việc này?

Đây là công việc mà tới đây Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ làm. Chúng ta cần đánh giá lại một năm việc thực hiện Nghị định của chính phủ để tiếp tục làm tốt hơn. Tôi cho rằng quy định đã có là tốt và dĩ nhiên trong quá trình thực hiện phải hoàn thiện dần.

Ngành kiểm sát sau khi có quy chế trên đã triển khai như thế nào?

Chúng tôi đã triển khai, tôi có hẳn một chỉ thị quán triệt toàn ngành thực hiện việc đó.

Anh đã nhận được thông tin cán bộ kiểm sát nào nộp lại tiền được biếu chưa?

Hình như anh em đã nói với tôi là có.

Bản thân ông nếu nhận được quà biếu, ông xử lý như thế nào?

Nếu như quá thì dứt khoát tôi trả lại anh em.

Mạnh Cường (ghi)