1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần cơ chế “mở” để giải án oan cho người dân

(Dân trí) – “Cần có cơ chế “mở” nhưng không “quá rộng” để xét xử lại án “đụng trần” vì quá oan cho người dân trong khi sai sót thuộc lỗi, trách nhiệm của cơ quan tố tụng và người tham gia tố tụng” – đại biểu QH Nguyễn Phạm Ý Nhi nêu quan điểm.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Phạm Ý Nhi hiện là Bí thư đảng uỷ kiêm Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội. Nhân dịp Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi bổ sung dự thảo luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bà Nhi đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) sẽ được QH thông qua trong kỳ họp thứ 9 vào tháng 3 tới. Nhiếu ý kiến cho rằng nên bỏ chức năng giám sát của VKS theo mô hình Viện công tố. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Mặc dù đây là tranh chấp dân sự, nguyên tắc cơ bản “việc dân sự cốt ở hai bên”, Nhà nước không can thiệp vào quá trình dàn xếp tự nguyện thoả thuận của các bên đương sự song vai trò giám sát của VKS là rất cần thiết. Thực tế Luật hiện hành do hầu như “khoán trắng” quá trình tố tụng cho cơ quan xét xử nên tỷ lệ án dân sự phải sửa còn cao đồng thời dễ phát sinh các khiếu nại, tố cáo.

Từ việc vận dụng pháp luật và thực tiễn cuộc sống, theo tôi cần sửa Khoản 2 Điều 21 BLTTDS hiện hành theo hướng để tham gia tất cả các vụ án, việc dân sự ngay từ khi thụ lý vụ án và toàn bộ quá trình tố tụng tại các cấp xét xử thay vì “khuôn” trong một số trường hợp nhất định.

Có như vậy VKS mới có điều kiện thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ pháp luật, tạo lòng tin cho nhân dân, hạn chế các sai sót  trong xét xử cũng như các khiếu nại tố cáo của đương sự đối với cơ quan toà án.

Theo luật hiện hành, trong quá trình xét xử toà án không có quyền huỷ các quyết định của các cơ quan tổ chức mặc dù các quyết định đó ban hành không đúng thẩm quyền và trái pháp luật. Quy định này có phù hợp thực tế, thưa bà?

Toà án được nhân danh nhà nước tuyên án mà lại không có quyền ra quyết định huỷ bỏ các quyết định trái pháp luật của các cơ quan tổ chức mặc dù đã đầy đủ căn cứ cho rằng các quyết định đó ban hành trái thẩm quyền và pháp luật là điều rất vô lý.

Tôi được biết thực tiễn rất nhiều vụ kiện dân sự đặc biệt như trên lĩnh vực đất đai nhà ở, chính quyền cấp “sổ đỏ” trái pháp luật, trái thẩm quyền rõ mười mươi, nhưng vướng Luật nên Toà cũng chỉ ra được bản án đề nghị chính quyền xem xét lại mà không quyết định huỷ bỏ quyết định trái pháp luật được nên làm cho vụ án kéo dài.

Quy định như thế làm giảm vị trí, vai trò, uy tín của cơ quan Toà án nói chung và cơ quan pháp luật nói riêng làm vụ án kéo dài gây lãng phí tiền của công sức của Nhà nước và nhân dân.

Theo tôi cần phải sửa đổi luật theo hướng như Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự năm 1989 là Toà án có quyền ra quyết định huỷ bỏ các quyết định của các cơ quan tổ chức khi có đủ cơ sở cho rằng các quyết định này ban hành không đúng thẩm quyền và trái pháp luật.

Dự thảo BLTTDS sửa đổi đã được đưa ra UB Thường vụ thảo luận nhiều lần, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc tạo cơ chế giải quyết án “đụng trần”, xét lại các quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Theo bà, vấn đề này nên quy định thế nào?

Thực tế không ít trường hợp án dân sự “đụng trần”, các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của HĐTP TAND tối cao đã hết thời hiệu kháng nghị mới phát hiện được những sai sót nghiêm trọng về tố tụng và vận dụng pháp luật. Những trường hợp này nếu không được cơ quan nào xem xét lại thì quá oan cho người dân trong khi đó nhiều trường hợp sai sót thuộc lỗi, trách nhiệm của cơ quan tố tụng và người tham gia tố tụng.

Do vậy quan điểm của tôi là cần có cơ chế “mở” nhưng không “quá rộng”để xét xử lại đảm bảo công bằng song không gây cho người dân hiểu là “Nhà nước có thêm một cấp xét xử mới”.

Vận dụng Hiến pháp và pháp luật, tôi nhất trí với hướng giải quyết mang tính dung hoà nhưng hoàn toàn đúng pháp luật hợp lòng dân quy định tại Điều 310 a của dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ LTTDS  là giao trách nhiệm cho chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, chủ nhiệm UB pháp luật của QH… khi phát hiện thấy có vi phạm nghiêm trọng về pháp luật có quyền kháng nghị HĐTP TAND tối cao để được xem xét lại.

Ngoài các vấn đề trên bà còn có kiến nghị cần bổ sung sửa đổi gì thêm đối với Bộ Luật TTDS?

Trong các vụ án dân sự, chứng cứ là căn cứ quan trọng cho việc xét. Hiện chứng cứ được định nghĩa là những gì “có thật”. Vậy các dữ liệu điện tử trên mạng Intemet (ảo) có được công nhận là chứng cứ trong vụ án? Tôi được biết nhiều toà án đang rất lúng túng trong việc giải quyết vấn đề này bởi luật chưa có quy định trong khi các vụ án phát sinh từ các dữ liệu trên mạng điện tử Intemet như nói xấu nhau, mở hàng loạt giao dịch chứng khoán tạo giao dịch ảo trên thị trường để thao túng giá… lại phát sinh ngày càng nhiều. Thậm trí người ta còn ký cá cược , ký hợp đồng giao dịch dân sự cả trên mạng…

Vấn đề bức xúc, theo tôi, Quốc hội cũng nên sửa đổi bổ sung Điều 81 BLTTDS hiện hành, xác định lại khái niệm về Chứng cứ trong Luật theo hướng mở rộng gồm là những gì “có thật” và cả những dữ liệu điện tử được lưu trong mạng, máy tính, phương tiện điện tử, máy móc hiện đại… Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của xã hội và thống nhất chung về việc xác nhận chứng cứ trong tố tụng dân sự.

Xin cảm ơn bà!

LS. Công Tâm (thực hiện)