Cần chính sách mạnh cho Vân Phong, xứng với vị trí đặc biệt của Khánh Hòa
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng có chính sách mạnh mẽ hơn, tương xứng với vị trí đặc biệt của Khánh Hòa nói chung, khu kinh tế biển Vân Phong nói riêng.
Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Chính phủ đề xuất 10 chính sách, cơ chế đặc thù cho tỉnh này.
Trong đó, đáng chú ý là cơ chế ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong. Cơ chế đó là ưu đãi cho nhà đầu tư về thủ tục hải quan, thuế; hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh, bồi thường, tái định cư; tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Bài học cho các tỉnh thành ven biển
Cho ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) đồng tình với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa để tỉnh phát triển đúng tiềm năng, lợi thế của mình.
Theo đại biểu, việc thực hiện thí điểm thành công cơ chế đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa sẽ là bài học dành cho không chỉ 27 tỉnh, thành phố ven biển còn lại trong cả nước, mà cả các địa phương ven biển khác trên thế giới.
Bày tỏ sự ủng hộ với các nhóm chính sách mới trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, cần phân tích kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ, làm rõ các cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo tính khả thi, thiết thực và hiệu quả của các chính sách sau khi được ban hành.
Về chính sách phát triển khu kinh tế Vân Phong, đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại biểu, nội dung này, Nghị quyết cần cụ thể hóa danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong và các điều kiện đối với các nhà đầu tư chiến lược để bảo đảm phát triển kinh tế biển gắn liền với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường biển.
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) khẳng định, Khánh Hòa là tỉnh có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh không chỉ của vùng duyên hải Nam Trung Bộ mà còn của cả nước.
Chính vì vậy, đại biểu thể hiện sự nhất trí rất cao với việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết này nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá để Khánh Hòa triển thực hiện mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết 09.
Về chính sách đặc thù phát triển khu kinh tế Vân Phong, đại biểu cho rằng, do đặc thù cơ sở hạ tầng tại đây còn hạn chế, để có thể phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và trong thời gian ngắn thì rất cần những chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh tham gia. Vì vậy, đại biểu nhất trí với quy định về nhà đầu tư chiến lược với các tiêu chí, điều kiện được định lượng cụ thể.
Vân Phong có vị trí đặc biệt, cần nhà đầu tư lớn, dự án "khủng"
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) đề nghị có chính sách mạnh mẽ hơn, tương xứng với vị trí đặc biệt của Khánh Hòa, đồng thời cần đảm bảo tính khả thi cao hơn cho những nội dung đã đề ra trong nghị quyết.
Đi vào vấn đề cụ thể, đại biểu đoàn Quảng Bình cho rằng, cần có chính sách hấp dẫn, khả thi hơn về phát triển khu kinh tế Vân Phong. Cụ thể, cần mở rộng điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao tính khả thi trong thu hút nguồn lực.
Đặc biệt, theo đại biểu, cần có quy định trách nhiệm của các nhà đầu tư chiến lược khi không thực hiện được các cam kết, cần có chính sách ưu đãi khác biệt, phù hợp cho từng lĩnh vực đầu tư để tạo đột phá cho việc phát triển khu kinh tế Vân Phong.
Đối với cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế Vân Phong, theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết 09 là phát triển khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Thực tiễn cho thấy, khu kinh tế Vân Phong, trong đó có Bắc Vân Phong đã từng là khu vực dự kiến hình thành đặc khu hành chính - kinh tế.
"Khu kinh tế Vân Phong kể từ khi thành lập theo Quyết định 92 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Trong khi đó, khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn đều có cơ chế chính sách đặc thù. Bởi vậy, cần có chính sách thực sự riêng biệt cho khu kinh tế Vân Phong phát triển", đại biểu Tô Văn Tám nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, Khánh Hòa rất xứng đáng, thậm chí xứng đáng hơn các địa phương khác trong việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Vì Khánh Hòa có đặc thù vượt trội là có huyện đảo Trường Sa, có Cảng Cam Ranh thuộc Vịnh Cam Ranh - một cảng biển nước sâu, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng, Khánh Hòa cần có sơ kết, tổng kết cơ chế, chính sách đặc thù của 8 địa phương trước đó để xây dựng cơ chế đặc thù của Khánh Hòa rõ ràng hơn. Theo ông Vân, hiện các cụm chính sách còn chưa tường minh nên Chính phủ và cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu thêm, cụ thể là minh định cơ chế đặc thù.
Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề được đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị; phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Khánh Hòa tạo điều kiện động lực để Khánh Hòa phát triển bứt phá trong thời gian tới…
Về cơ chế chính sách đối với khu kinh tế Vân Phong, Bộ trưởng cho biết, Vân Phong có một vị trí hết sức đặc biệt thế nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ, trong khi Nhà nước mong muốn có các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược, những dự án lớn, quy mô, có tính lan tỏa, dẫn dắt, đột phá.
"Vì vậy dự thảo nghị quyết đặt vấn đề tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án lớn và đã có một loạt giải pháp cho việc này", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.