Khu kinh tế Vân Phong: Tiềm năng lớn, chính sách thu hút đầu tư... hẹp
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiều ưu đãi đặc thù thu hút nhà đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) chưa chạm tới mong muốn của các nhà đầu tư.
Chiều 21/4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Vân Phong
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển cho Khánh Hòa, Chính phủ đề xuất 10 chính sách, cơ chế đặc thù.
Một trong những điểm mới trong dự thảo nghị quyết là đưa ra các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong. Cơ chế đó là ưu đãi cho nhà đầu tư về thủ tục hải quan, thuế; hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh, bồi thường, tái định cư; tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành chủ trương thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, nhiều ý kiến trong Ủy ban này cho rằng cần quy định rõ nội hàm chính sách theo hướng làm rõ được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư, hỗ trợ bồi thường tái định cư; được tổ chức, tham gia xúc tiến đầu tư… là hỗ trợ thủ tục gì.
Ông Cường cũng cho hay, một số ý kiến thấy thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong có ý nghĩa đột phá, tác động lan tỏa vùng kinh tế Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên.
Trong khi, hạ tầng Khu kinh tế Vân Phong còn rất hạn chế, cần huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng, triển khai các dự án lớn bằng các chính sách ưu đãi thiết thực; cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ phù hợp với các ngành nghề thu hút đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị bổ sung thêm 2 chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Vân Phong. Một là, áp dụng thí điểm cơ chế cho phép các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vân Phong được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển (R&D) khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Hai là, phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Phân cấp mạnh hơn cho Khánh Hòa
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng ưu đãi nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh thế Vân Phong còn hẹp, chưa có chính sách mới, đột phá.
Chủ tịch Quốc hội đồng tình với Ủy ban Tài chính Ngân sách bổ sung thêm ưu đãi như khấu trừ các chi phí về nghiên cứu phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phân cấp mạnh hơn cho tỉnh Khánh Hòa trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án vào khu kinh tế Vân Phong. Bởi nếu ủy quyền, phân cấp cho tỉnh thì cũng tăng trách nhiệm của địa phương.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý dự thảo nghị quyết cần bổ sung quy trình ủy quyền chặt chẽ, cơ chế lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Nhấn mạnh kỳ vọng rất lớn với khu kinh tế Vân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh nói thiết kế chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược rất khó.
Ông Ninh khẳng định, nếu được phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án trong khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cũng chỉ áp dụng giới hạn với nhà đầu tư chiến lược.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận nhiều ưu đãi đặc thù thu hút nhà đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong chưa chạm tới mong muốn của các nhà đầu tư. "Đúng là các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong đang hẻo quá!", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, Vân Phong có hai đặc điểm nổi trội là du lịch, dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics. Các nghiên cứu trước đây về chính sách ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế này đưa ra nhiều đề xuất như miễn thị thực nhập cảnh, miễn giảm thuế... nhưng khi thảo luận, lấy ý kiến các bên liên quan thì thấy khá phức tạp, vướng mắc về pháp lý.
Với các đề nghị bổ sung ưu đãi cho nhà đầu tư, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh sẽ tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết.