Cận cảnh tòa chung cư cũ nát nghiêng sau bão ở Hải Phòng
(Dân trí) - Lực lượng công an, quân đội, dân phòng đã lập chốt canh gác 24/24h để không cho hàng trăm hộ dân quay lại tòa chung cư đang xuống cấp nguy hiểm ở Ngô Quyền, Hải Phòng.
Bão Yagi đổ bộ vào Hải Phòng ngày 7/9 gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Tại thành phố này tính đến ngày 11/9, đã có 2 người chết, 49 người bị thương. Bão làm gần 27.000 nhà dân ở địa phương này bị hư hỏng, trong đó có 60 nhà bị sập;...
Trong ảnh là khu chung cư Vạn Mỹ, ở phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng xuống cấp nghiêm trọng (cấp độ D).
Trước khi bão Yagi đổ bộ, 303 hộ dân sinh sống tại tòa A7 và A8 của khu chung cư Vạn Mỹ buộc phải di dời đến Khách sạn Hàng Hải ở phường Vạn Mỹ để tránh bão.
Trong trận mưa kéo dài ngày 11/9, tại khu vực tòa chung cư A7 và A8 đã bị ngập sâu, người dân đi lại khó khăn.
Ông Hồ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND phường Vạn Mỹ (Ngô Quyền, Hải Phòng), cho biết, sau khi bão tan, ngày 9/9, hàng trăm hộ dân quay trở lại nơi ở cũ, nhưng chính quyền phát hiện tòa A7 nghiêng khoảng 3 độ. Do đó, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân tiếp tục đi sơ tán, không được quay lại nơi ở cũ.
Chính quyền đã dựng hàng rào chắn để không cho cư dân và người dân đi vào tòa chung cư A7 và A8.
Hiện nay trên địa bàn Hải Phòng có 205 chung cư cũ xuống cấp, trong đó có 97 chung cư ở mức nguy hiểm (cấp D). Trong những năm qua, TP Hải Phòng đã phá 22 chung cư cũ nguy hiểm cấp D.
Trong ảnh là 3 tòa chung cư A7 (ngoài cùng bên phải), A8 và A9 ở Vạn Mỹ, Ngô Quyền cũng nằm trong số chung cư xuống cấp ở mức độ D.
Ghi nhận tại tòa chung cư A7 và A8 ở phường Vạn Mỹ, hàng rào rắn của công an đã được dựng xung quanh để ngăn người dân và cư dân đi lại gần 2 tòa chung cư này.
Bà Bùi Bích Hiền (65 tuổi) sinh sống ở căn hộ tại tòa chung cư A7 bị nghiêng cho biết, chính quyền địa phương đã rất quan tâm và hỗ trợ người dân đi sơ tán kịp thời trước khi bão đổ bộ nên may mắn chưa có thiệt hại về người.
"Tôi và hàng trăm hộ dân khác được sơ tán đến Khách sạn Hàng Hải để tránh bão. Gia đình tôi được thông báo không quay lại chung cư A7 để sinh sống nữa, thành phố sẽ bố trí cho chúng tôi đến chung cư khác ở. Hiện chúng tôi chỉ mong muốn được quay lại căn hộ cũ lấy đồ đạc, tiền bạc để đi nơi khác ở, nhưng vì nguy hiểm nên công an không cho vào", bà Hiền chia sẻ.
Cán bộ Công an quận Ngô Quyền, dân phòng địa phương giải thích cho cư dân hiểu về việc không đảm bảo an toàn khi vào các căn hộ của tòa A7 và A8 để lấy đồ đạc.
Tòa chung cư A7 bị nghiêng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, chính vì vậy tòa A8 phía sau cũng đã phải di dời dân ra khỏi các căn hộ.
Đây là mặt trước của của tòa chung cư A7 bị nghiêng, vì nhu cầu sinh hoạt nên các cư dân đã cơi nới các lồng sắt, bịt tôn để sử dụng.
Kết cấu tường gạch của tòa chung cư A7 bị xuống cấp, bong tróc trơ cả lõi thép bên trong.
Nhiều mảng tường của 2 tòa chung cư A7 và A8 bị bong vữa, lộ lớp gạch đỏ bên trong.
Tiến sĩ Vũ Thành Trung, Giám đốc Viện chuyên ngành kết cấu công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, công trình chung cư cũ chủ yếu có kết cấu xây dựng bằng gạch, nguồn vật liệu thời gian đó không được tốt như hiện nay. Các chung cư này đến nay đều không đảm bảo an toàn về chịu lực, an toàn về phòng cháy chữa cháy và điều kiện sống không đảm bảo. Do đó, các tòa chung cư này có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Còn chính quyền Hải Phòng cho biết, các tòa chung cư A7 và A8 nói trên đã được xây dựng từ những năm 1970, đã xuống cấp nghiêm trọng.
Sở Xây dựng Hải Phòng đã đề xuất giao các quận không đưa các hộ dân quay trở lại sinh sống tại các chung cư cấp độ D, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Hiện tại quỹ nhà chung cư của TP Hải Phòng còn khoảng 846 căn hộ. Hải Phòng sẽ bố trí, sắp xếp các hộ dân về các khu chung cư này sinh sống.
Đối với các hộ dân không được bố trí quỹ nhà, TP Hải Phòng sẽ hỗ trợ tạm cư bằng tiền mặt, với kinh phí dự kiến khoảng 3 triệu đồng/tháng/24 tháng. Hết thời hạn 24 tháng, các hộ dân nói trên sẽ được TP Hải Phòng hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng để mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội theo quy định.