(Dân trí) - Vũng Áng (Hà Tĩnh) đang trở thành khu kinh tế năng động bậc nhất cả nước với gần 100 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong số này nhiều dự án có tổng mức đầu tư lên đến nhiều tỷ USD.
Thời điểm này, trở lại KCN Vũng Áng - so với tháng 2/2008, thời điểm Thủ tướng Chính phủ thông qua quyết định thành lập - KKT Vũng Áng hiện đã có một bước đột phá với gần 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có 89 dự án đầu tư trong và ngoài nước có tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD. Năm 2013, KKT Vũng Áng đã nộp ngân sách cho tỉnh Hà Tĩnh hơn 2,7 ngàn tỷ đồng, góp phần đưa Hà Tĩnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tăng thu ngân sách.
Một trong những cú hích đưa KKT Vũng Áng nói riêng và Hà Tĩnh nói chung trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của cả nước là những dự án "khủng" từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư thế giới và trong nước.
Đứng đầu trong số các dự án "khủng" đang được đầu tư tại KKT Vũng Áng là dự án gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư. Khởi công vào tháng 7/2008, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 10 tỷ USD, công suất hơn 10 triệu tấn gang thép/năm ở giai đoạn I và hơn 20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II, công suất bốc dỡ hàng hóa 30 triệu tấn/năm, Dự án xây dựng tổ hợp gang thép, cảng biển nước sâu Sơn Dương lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay.
Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Formosa, đến thời điểm đầu tháng 10/2014, hơn 7 năm sau ngày khởi công tiến độ xây dựng tổng thể khu liên hợp gang thép, trong đó có lò cao số 1 và các những công trình liên quan như bãi nguyên liệu, xưởng thiêu kết, xưởng luyện cốc, lò vôi, xưởng luyện thép, xưởng cán nóng, nhà máy thép dây đều đạt tiến độ đề ra.
Hệ thống băng tải chuyển vận nguyên liệu, hàng hóa, trong đó có nguyên liệu than phục vụ nhà máy nhiệt điện tại khu liên hiệp gang thép, cảng nước sâu Sơn Dương có tổng chiều dài thuộc vào loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hệ thống này được thi công bằng kết cấu thép, liên kết với nhiều trạm trung chuyển hoạt động tự động, hiện đại. Theo dự kiến, hệ thống băng tải chuyển vận này sẽ kịp hoàn thành trước ngày 31/11/2015, thời điểm Nhà máy thép dây cho ra lò cuộn thép đầu tiên.
Cùng với công trình chính khu luyện thép, tiến độ xây dựng các công trình phụ trợ như Nhà máy điện (công suất 650 MW), truyền tải điện cao áp, xưởng phân ly khí, xưởng xử lý nước, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp cũng đã đạt tiến độ trên 50% khối lượng công trình.
Với 13 bến cảng (giai đoạn 1), trong đó bố trí 3 bến cho tàu có trọng tải 300.000 DWT, 2 bến cho tàu trọng tải 200.000 DWT và 8 bến còn lại cho các cỡ tàu từ 10.000 đến 70.000 tấn, Cảng Sơn Dương sau khi hoàn thành sẽ trở thành cảng chuyên dụng lớn nhất Việt Nam và khu vực. Để biến cảng biến này hiện thực, các nhà thầu đã phải thi công tổng chiều dài tuyến đê chắn sóng lên đến hơn 5,2km, trong đó đê đá đổ 208m, cống hộp 28,5m, giếng chìm 160 chiếc, còn là là đê giếng chìm hơn 5000m. Hạng mục này hiện đã hoàn thành xấp xỉ 50%. Hiện chủ đầu tư đang đẩy mạnh chế tạo, kéo thả giếng chìm để tuyến đê chắn sóng mở rộng đầy phức tạp, tốn kém này đạt mục tiêu hoàn thành vào tháng 5/2016.
Cho đến thời điểm này hạng mục đầu tiên trong tổ hợp cảng biển nước sâu Sơn Dương hoàn thành 100% khối lượng là công trình kênh tàu dịch vụ và bến cảng thi công. Ngoài hoàn thành việc xây dựng đường ven bờ bến cảng kênh tàu bến cảng dịch vụ dài gần 1,1km, đường đê bảo vệ phía bắc (bến cảng thi công) 200m, đê trong phía bắc 853m, nhà thầu cũng đã hoàn thành việc thi công nạo vét kênh dẫn tàu.
Các hạng mục cáp điện, cáp viễn thông, đường ống dẫn khí, ga, nước... phục vụ dự án được thiết kế đi nổi trên cao trên cùng một hệ thống giá đỡ bằng cốt thép. Hệ thống giá đỡ cốt thép này có tổng chiếu dài lên đến hơn 50km, chạy chằng chịt trong khu công nghiệp này
Trong giai đoạn 2, nhà đầu tư Formosa dự kiến sẽ đầu tư thêm hơn 8 tỷ USD để nâng công suất nhà máy thép lên 15 triệu tấn/năm và công suất cảng lên 60 triệu tấn/năm, tàu có trọng tải từ 200.000 đến 300.000 tấn có thể vào cảng Sơn Dương. Dù chưa đi vào hoạt động khai thác, tuy nhiên, những đóng góp của siêu dự án cảng biển này đối mọi mặt đời sống của KKT Vũng Áng nói riêng và Hà Tĩnh nói chung là rất lớn. Không chỉ góp phần giải quyết cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài nước, tăng nguồn thu, đặc biệt là thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ dự án, siêu dự án này còn kéo theo một loạt các dịnh vụ ăn theo.
Trước khi siêu dự án tổ hợp gang thép và cảng biển Sơn Dương được Formosa đầu tư, Dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW (2x600) có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, đã được chủ đầu tư Tập đoàn dầu khí Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh khởi công vào năm 2009. Sau gần 4 năm tích cực triển khai của cả chủ đầu tư là Tập đoàn dầu khí Việt Nam và nhà thầu EPC Lilama, lúc 18h36 ngày 27/12/2013, tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng đã đã chính thức phát điện thành công lên lưới điện quốc gia. Với công suất 600 MW và chỉ mới 1 tổ máy phát điện, nhưng đây là dự án nhiệt điện có công suất tổ máy lớn nhất Việt Nam hiện nay hoà lưới điện thành công.
Sau thành công trong việc đưa tổ máy số 1 vào khai thác, chủ đầu tư Tập đoàn dầu khi Niệt Nam đang chuẩn bị đưa tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm 2014. Khi cả 2 tổ máy hòa lưới, nhà máy nhiệt điện này sẽ góp thêm khoảng 8 tỷ kw giờ điện hàng năm cho điện lưới quốc gia, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Hà Tĩnh/năm.
Tổng kho xăng dầu và tổng kho khí hóa lỏng Vũng Áng do Công ty cổ phần xăng dầu Dầu khí Vũng Áng (PV Oil Vũng Áng, thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chủ đầu tư) được khởi công xây dựng vào tháng 10/2007 trên tổng diện tích 8ha cũng là một dự án thuộc hàng khủng ở KKT Vũng Áng, với nguồn vốn đầu tư gia đoạn 1 hơn 257 tỷ đồng. Tổng kho được xây dựng tại bờ biển phía bắc cảng Vũng Áng, với các hạng mục cầu cảng bến cứng trọng tải 15.000 DWT, kho xăng dầu 60.000m3, các hạng mục phụ trợ như công nghệ, đường ống bơm dẫn. Quy mô dự án đến năm 2015 tổng kho này sẽ là tổng kho lớn nhất Bắc Trung Bộ.
Kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 2/2012) cho đến nay, Tổng kho xăng dầu Vũng Áng trở thành đầu mối cung cấp xăng dầu hết sức quan trọng cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh phía Bắc, các khu kinh tế Vũng Áng, các cửa khẩu Cầu Treo, Cha Lo, đóng góp tích cực vào việc bình ổn giá xăng dầu trong khu vực và trong nước, nộp ngân sách hàng năm trên 100 tỷ đồng.
Với những thành công bước đầu tư những dự án khủng nêu trên Hà Tĩnh và nhiều chủ đầu tư đang chuẩn bị mọi mặt để chuẩn bị khởi công thêm các dự án nhiều tỷ đô khác tại KKT Vũng Áng. Cụ thể, Hà Tĩnh và liên doanh Tập đoàn Mitsubishi (Nhật) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng 2 đang phấn đấu khởi công Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 vào tháng 3/2015 trên diện tích hơn 42 ha tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh. Đây là nhà Nhà máy có công suất 1.320 MW, gồm 2 tổ máy, nguồn vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, được xây dựng theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). Theo dự kiến, nhà máy sẽ vận hành thương mại tổ máy số một vào năm 2018.
Ngoài ra, Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 có công suất 1.200 MW gồm hai tổ máy cũng đã được Chính phủ Việt Nam giao cho Công ty Samsung C&T làm chủ đầu tư, cũng sẽ sớm được khởi công. Đây là dự án nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam. Công trình dự kiến sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào tháng 1/2022 và hoàn thành toàn bộ nhà máy vào tháng 7/2022.