Cận cảnh một dòng sông lớn đang “thoi thóp”
(Dân trí) - Bờ sông bên huyện Hương Trà được bồi tạo thành nhiều bãi cát mênh mông. Bờ bên kia lại xói lở tan hoang. Những cồn cát nổi giờ trở thành công trường khai thác cát. Cả những xe tải cỡ lớn chở cát cũng đi lại ngay giữa… lòng sông.
Sông Bồ, con sông dài thứ hai trong hệ thống sông tỉnh Thừa Thiên Huế, từ bao đời nay chưa một lần cạn nước. Nhưng vào những tháng 11, 12 âm lịch này, mực nước sông đã cạn dưới mức cho phép; thậm chí sông có nguy cơ cạn cả trong mùa mưa năm nay. Hiện tượng bất thường này lần đầu tiên xảy ra khiến đời sống hàng trăm hộ dân ven sông Bồ lâm cảnh lao đao chưa từng thấy.
Lần đầu tiên sông cạn…
Chúng tôi tìm đến đội 1, thôn Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà là nơi thấy rõ nhất “thảm cảnh” của sông Bồ. Rất nhiều cồn cát nằm lộ ra giữa dòng sông. Cát kéo thành những mũi nhô ra hơn nửa sông. Rất nhiều đụn cát cao 2 đến 3 mét nằm chắn ngang sông. Cả dòng sông ít thấy nước, chỉ thấy mênh mông là cát.
Bờ sông phần bên huyện Hương Trà được bồi tạo thành nhiều bãi cát rộng mênh mông. Ngược lại, bờ bên kia thuộc huyện Phong Điền bị xói lở làm nhiều bãi đất đang canh tác rau màu bị sạt lở nghiêm trọng. Đứng trên bờ nhìn thấy rõ mồn một cả đáy sông. Con sông lớn thứ hai của tỉnh Thừa Thiên Huế đã không còn hình dáng cũ như trước đây nữa.
Anh Võ Văn Hòa làm nghề đánh cá trên sông than thở: “Sông bắt đầu cạn dần từ cách đây 2 tháng, gần đây thì cạn nhanh. Nhiều loại cá lúc trước rất nhiều, chừ lâu lâu mới thấy vài con nên thu nhập kém hẳn. Giờ cả ngày kiếm được không quá 30.000đ, cả nhà trông vào đó…”.
Cụ Võ Văn Thương, 76 tuổi, thì bần thần chỉ những cồn cát, nói: “Từ lúc sinh ra, tôi chưa bao giờ thấy sông Bồ cạn như ri. Có nghe đâu nhà máy thủy điện Hương Điền đang chuẩn bị chạy phát điện nên nước bị tích lại trong lòng hồ chứa, do đó nước tại đây mới ít như rứa”.
Những cồn cát nổi giờ trở thành công trường để vô số người dân ra khai thác cát bằng cuốc xẻng, máy hút, máy quay… Cả những xe tải cỡ lớn chở cát cũng đi lại ngay giữa… lòng sông.
Trước khi đi ngược lên đoạn trên sông Bồ để xem xét, cụ Thương chỉ cho chúng tôi xem nhiều khu vực sông có nước màu xanh thẳm. “Đó là hố rất sâu. Do khai thác cát nên đã tạo ra vô số nhiều hố dưới đáy sông rất nguy hiểm. Tụi tui phải cảnh báo toàn bộ trẻ em trong làng không được ra tắm. Nhưng đôi lúc chúng nó sơ sẩy nghịch nước thì chỉ biết cầu trời khấn phật”.
Dân kêu trời thì thiếu nước
Theo địa chí Thừa Thiên Huế (xuất bản 2005), sông Bồ thuộc hệ thống sông Hương (gồm sông Bồ, sông Hữu Trạch và sông Tả Trạch). Sông Bồ bắt nguồn từ vùng núi phía Đông A Lưới, chảy qua lãnh thổ Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền và nhập vào sông Hương ở ngã ba Sình. Sông có chiều dài 94km, diện tích lưu vực 938 km2, độ dốc bình quân chung là 6,9m/km.
Sông Bồ là con sông có chiều dài và diện tích lớn thứ 2 trong toàn bộ hệ thống sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (sau sông Tả Trạch có chiều dài 104km, diện tích lưu vực 2.830km2). |
Trong vườn cây của ông Nguyễn Khoa Sỹ (60 tuổi), nhiều gốc thanh trà không bám trụ được với đất đã bị bứng vứt trước nhà. Trong nỗi xót xa, ông kể “Chú biết không, đất này chuyên trồng thanh trà có tiếng thơm ngon của Huế. Hai tháng này, lá thanh trà tự nhiên cong queo và nhỏ dần, trái thì không ra nữa. Đang trong mùa mưa mà cây cối khô héo nhìn đau lòng lắm. Bà con hàng xóm ở đây cũng đã phá hàng loạt vườn thanh trà trong cả tháng ni vì chăm không được”.
Giếng nước nhà ông Sỹ đã cạn từ lâu, ao nuôi cá thì gần như trơ đáy. Toàn bộ nguồn kinh tế từ vườn - ao theo ông Sỹ “không biết cứu vớt bằng cách nào vì “tai nạn” diễn ra đột ngột quá”.
Nhà nào cũng phải khoan giếng thật sâu nhưng vẫn không có nước sinh hoạt.
Gần đó, nhà cụ Nguyễn Văn Lưỡng đang thuê thợ đào giếng sâu thêm 12 mét. Nước có thêm nhưng không đáng kể. Không chỉ nhà cụ Lưỡng, rất nhiều hộ dân lo đào sâu giếng mong có nước sinh hoạt.
Sông Bồ rộng lớn nay có nhiều đoạn như con suối nhỏ
Những chiếc xe tải chạy giữa lòng sông.
Nhiều bãi cát mênh mông xuất hiện ngăn dòng sông chảy về phía hạ lưu
Thủy điện Hương Điền sắp đi vào vận hành, là công trình án ngữ phần đầu sông Bồ bị người dân cho rằng “là nguyên nhân gây cạn dòng sông”. Dưới chân đập thủy điện, nước cạn trơ ra những bãi đá.
Đại Dương