Cận cảnh loạt công trình giao thông xây dựng chậm tiến độ tại Hà Nội
(Dân trí) - Nhiều công trình giao thông tại Hà Nội chậm tiến độ so với kế hoạch, một phần ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều công nhân là F0, F1 gây khó khăn trong huy động nhân sự thi công, nhập khẩu nguyên liệu...
Dự án xây dựng cầu vòm sắt dành cho xe máy đi thấp qua hồ Linh Đàm (nằm dưới gầm cầu cạn Vành đai 3) được khởi công xây dựng từ đầu năm 2021. Công trình dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại (ngày 23/2), nhiều hạng mục của dự án vẫn đang xây dựng dang dở, đơn vị thi công đang tập trung xây dựng cột trụ bê tông và hợp long 2 đốt cuối cùng của cây cầu vòm sắt.
Anh Doãn Trọng Lực, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng cầu vòm sắt cho biết, các đơn vị liên danh nhà thầu đã thi công hoàn thiện cọc khoan nhồi, mố trụ cầu. Hiện tại, anh em công nhân đang thi công lao lắp 2 nhịp dầm còn lại và hoàn thiện phần mặt cầu.
Lý giải về tình trạng chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu, anh Doãn Trọng Lực nói: "Tiến độ ban đầu hoàn thành dự án trước Tết âm lịch. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, làm khó khăn trong công tác huy động nhân lực thi công, nhiều trường hợp bị F0, F1 phải cách ly y tế kèm theo đó là nhập khẩu nguyên vật liệu khó khăn".
Ngoài ra, anh Lực cho biết thêm do mặt bằng thi công chật hẹp, khó khăn trong việc triển khai các thiết bị thi công công trình, đặc biệt là thi công hạng mục cọc khoan nhồi (thi công trong phạm vi hai hàng trụ đường vành đai 3 trên cao và bị khống chế bởi tĩnh không đường vành đai 3 và lòng hồ Linh Đàm).
Được biết, cầu vòm sắt dành riêng cho xe máy đi dưới gầm đường vành đai 3 trên cao có mặt cắt ngang cầu rộng 7,5m, bề rộng phần xe chạy 6m. Kết cấu nhịp dầm vòm dạng ống thép, tổng chiều dài cầu 297,2m. Dự án xây dựng cầu vòm sắt qua hồ Linh Đàm có tổng mức đầu tư là 65 tỷ đồng. Dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án xây dựng cầu vòm sắt dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp nghỉ lễ 30/4.
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cầu vòm sắt được kỳ vọng sẽ giảm tải lưu lượng giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, khu vực bán đảo Linh Đàm.
Tại dự án xây dựng, mở rộng tuyến đường từ đường Âu Cơ - Xuân Diệu đến cầu Nhật Tân được mở rộng lên 4 làn xe có tổng chiều dài là 3,7km, với mức đầu tư 815 tỷ đồng, công trình đang "dậm chân tại chỗ" không có hoạt động xây dựng. Không xuất hiện công nhân trên công trường, vật liệu và máy móc xây dựng nằm ngổn ngang, một số đoạn cây cối mọc um tùm.
"3 đoạn còn lại thì có tới 2 đoạn (đầu nút giao Xuân Diệu) mới được cấp phép nhưng chưa thể triển khai do vướng mặt bằng, một đoạn thì đang chờ xin cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án để kịp đưa vào sử dụng, kịp thời phục vụ SEA Games 31", vị lãnh đạo phòng Giám sát 1 chia sẻ thêm.
Dự án mở rộng mặt đường đê chính, bề rộng mặt đường sau khi mở rộng khoảng 20m đến 25m (mỗi chiều xe chạy đảm bảo đủ 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ). Đồng thời cải tạo, mở rộng mặt đường gom phía ngoài đê bề rộng 5m.
Theo đó, đơn vị thi công sẽ hạ cao độ đường Âu Cơ hiện trạng, thay thế một phần đê đất bằng tường chắn bê tông cốt thép và cải thiện các điểm vuốt nối với các ngõ giao hiện trạng.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ đồng bộ tuyến đường Nghi Tàm và Âu Cơ đoạn từ nút giao đường Thanh Niên đến nút giao cầu Nhật Tân, đáp ứng nhu cầu cấp bách về giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về trung tâm Hà Nội.