1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cận cảnh làm kiệu lá cho đêm Trung thu "to nhất Hà Nội"

(Dân trí) - Có 20 người tham gia công đoạn làm kiệu, "trưởng ban" là người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm kiệu lá. Nguyên liệu chỉ là những loại cây lá trong vườn nhưng kiệu có đẹp hay không, toát lên hồn khí hay không phụ thuộc rất lớn vào tay nghề cũng như óc sáng tạo của các nghệ nhân.

 


Lễ rước kiệu lá ở thôn Hai mùa Trung thu năm 2014.

Lễ rước kiệu lá ở thôn Hai mùa Trung thu năm 2014.

 

Nơi có lễ hội trăng rằm độc đáo đó là thôn Hai, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. "Trưởng ban" phụ trách làm chiếc kiệu lá đặc sắc cho đêm Trung thu năm nay là ông Trần Văn Tích. Theo ông Tích, để có được một chiếc kiệu lá hoàn mĩ phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn lá, ghép khung đến trang trí.

Nguyên liệu sẵn có và rất dễ kiếm như gỗ xoan, cau, vỏ bòng, vỏ bưởi, lá lưỡi hổ, hạt nhãn, cọ, cành vạn tuế, hoa mía giò…. Tất cả đều phải xanh, tươi, đẹp, không sâu bệnh,... như vậy mới giữ được màu xanh của kiệu trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.

Khung kiệu được làm từ gỗ xoan hoa, tổng chiều dài 2,7m, rộng 0,9m. Phần khung gồm 10 đầu rồng, trong đó có 2 đầu rồng chính hướng về phía trước, 8 đầu rồng phụ tỏa ra các phía còn lại.

Đầu rồng được làm từ củ chuối lá già, phải là những củ to, được đào trước 5 ngày để ngót bớt nước, sao cho khi cắm các chi tiết khác vào sẽ không bị xoay hay bị lỏng. Bờm rồng là một nửa quả dứa. Mắt rồng được làm từ hạt nhãn hoặc quả cau. Râu rồng được làm từ hoa cau và hoa móc. Những đoạn ngọn lá lưỡi hổ được dùng làm vây rồng.

“Cái hay ở khâu này là ở chỗ, đầu rồng được làm theo trí tưởng tưởng, sức sáng tạo của người nghệ nhân chứ không bị gò bó theo một khuôn mẫu nào cả”, anh Trần Văn Quy - 44 tuổi - cùng tham gia làm kiệu lá cho hay.

Xung quanh thân kiệu được trang trí bộ tứ linh Long, Li, Quy, Phượng. Bên trên đặt ảnh Bác Hồ, có lọng che. Lọng kiệu là sự kết hợp của lá cọ và lá dừa đan lại với nhau.

Trong các khâu, khâu làm đầu rồng là khó nhất, không chỉ bởi có nhiều chi tiết mà còn bởi người nghệ nhân phải thổi được hồn vào những lớp lang lá.

Tất cả các công đoạn và nguyên liệu làm kiệu được lên lịch, họp bàn và chuẩn bị từ đầu tháng 8 âm lịch.

Nói về Tết Trung thu “to hơn Tết Nguyên đán” độc đáo của thôn, ông Tích chia sẻ: “Tôi không biết truyền thống này có từ bao giờ, chỉ biết đã có từ rất xa xưa. Sau đó vì chiến tranh mà ngắt quãng, đến sau năm 1975 mới được khôi phục lại và được duy trì đến ngày nay. Năm nào thôn chúng tôi cũng làm kiệu lá, tổ chức lễ hội trăng rằm dù hội thi 5 năm mới diễn ra một lần”.

Ngày hội của trẻ em nơi đây đã trở thành ngày hội của tất cả mọi người. Bạn Nguyễn Văn Dương (sinh viên trường Cao đẳng Hà Nội, quê ở thôn Hai) tâm sự: “Dù chưa biết làm kiệu đẹp như các bác nhưng mình rất mong muốn một ngày nào đó có thể tự tay làm một cái đầu rồng đẹp như thế. Năm nào mình cũng cùng tham gia làm kiệu với các bác để học hỏi thêm kinh nghiệm. Mình muốn duy trì nét đẹp này mãi mãi”.

Cận cảnh quá trình làm kiệu lá ở nơi có lễ hội Trung thu được coi là lớn nhất Hà Nội:

 

Cận cảnh làm kiệu lá cho đêm Trung thu "to nhất Hà Nội" - 2

 


Đầu rồng là khâu khó làm nhất.

Đầu rồng là khâu khó làm nhất.

 

Cận cảnh làm kiệu lá cho đêm Trung thu "to nhất Hà Nội" - 4

 


Các bạn trẻ rất thích thú với lễ hội độc đáo của quê hương.

Các bạn trẻ rất thích thú với lễ hội độc đáo của quê hương.

 

Cận cảnh làm kiệu lá cho đêm Trung thu "to nhất Hà Nội" - 6

 

Cận cảnh làm kiệu lá cho đêm Trung thu "to nhất Hà Nội" - 7

 


Chiếc kiệu lá dần thành hình, vô cùng sống động và đẹp mắt.

Chiếc kiệu lá dần thành hình, vô cùng sống động và đẹp mắt.

 


Cận cảnh tứ linh quanh thân kiệu.

Cận cảnh tứ linh quanh thân kiệu.

 

Thái Hậu